MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Cần tháo gỡ ba nút thắt của nền kinh tế

Trả lời báo chí sau cuộc họp Tổ điều hành kinh tế vĩ mô liên Bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng cần tháo gỡ ba nút thắt lớn của nền kinh tế là sự sụt giảm tăng trưởng của nông nghiệp, xuất khẩu nông thủy sản; mức tăng mạnh của nhập siêu và sức cạnh tranh yếu của DN nội.

Thưa ông, CPI trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm chỉ tăng ở mức thấp. Vậy đây có phải là dấu hiệu đang lo ngại của nền kinh tế?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nếu CPI giảm hoặc tăng ở mức thấp kèm theo mức giảm của GDP thì mới đáng lo ngại vì có dấu hiệu giảm phát. Song ở Việt Nam thì chỉ số CPI có diễn biến giảm hoặc tăng thấp từ không chỉ trong quý I mà còn từ năm ngoái.

Nguyên nhân là do giá dầu thế giới giảm mạnh trong quý IV/2014 và quý I năm nay, dù giá dầu hiện đã khôi phục, nhưng trước giá đã giảm từ mức 100 USD/thùng trong quý IV/2014 xuống còn 40 – 50 USD/thùng và giờ phục hồi với 60 USD/thùng. Đây vẫn là mức thấp so với trước đây và là nguyên nhân chủ yếu làm cho đầu vào và các dịch vụ khác giảm theo. Bên cạnh đó, giá hàng hóa quốc tế cũng có xu hướng giảm nên tác động đến giá đầu vào khiến giá trong nước giảm theo.

Ngoài ra, nguồn cung lương thực thực phẩm cũng khá dồi dào, chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá nên việc giá ổn định, hoặc có thời điể tăng nhưng không đáng kể, nên ít tác động đến CPI. Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu như giá điện tăng 7,5%, giá xăng dầu, dịch vụ y tế… cũng có tác động cơ học nhưng không làm CPI tăng lên nhiều.

Có thể thấy, chỉ số giá dù tăng thấp nhưng sản xuất ta vẫn tăng. Trong quý I GDP tăng 6,03%, 6 tháng đầu năm tăng GDP là 6,28%, là mức cao nhất trong nhiệm kỳ vừa rồi, nếu không nói là tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. CPI thấp nhưng không phải lo lắng vì mức tăng trưởng ổn định và quý sau cao hơn quý trước.

Vậy xin Bộ trưởng cho biết GDP tăng chủ yếu ở những khu vực nào?

Phân tích chi tiết GDP có thể thấy, đóng góp cho GDP trong 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến chế tạo. Khu vực này đã tăng liên tục trong 3 năm qua và năm nay tăng 9% so với năm trước. Khu vực thứ 2 là công nghiệp khai thác khoáng sản, trực tiếp là dầu khí và than. 6 tháng đầu năm nay khai thác dầu khi tăng và đạt sản lượng 8,3 triệu tấn là mức tăng so với 7,4 triệu tấn 6 tháng đầu năm trước, đóng góp nhiều vào tăng GDP 6 tháng đầu năm.

Việc CPI tăng thấp như vậy liệu có tạo thuận lợi cho việc giả lãi suất cho vay, khi hiện nay lãi suất vẫn ở mức khá cao, quanh mức 10%?

Mặc dù CPI ở mức thấp, nhưng lãi suất ngân hàng còn phụ thuộc tỷ giá. Vừa qua ta đã điều chỉnh 2 đợt với mức 2%. Tỷ giá cũng còn nhiều yếu tố khác tác động. Ta cũng đã giảm lãi suất cho vay khá nhiều, hiện chỉ ở mức 7 -8%, một số khoản vay khác thì cao hơn. Nếu hạ thấp nữa, cần phải tính toán kỹ về nghiệp vụ và tỷ giá. Hiện ta đang chịu sức ép khi giá USD đang cao hơn so với nhiều đồng tiền khác, nhưng tỷ giá ở Việt Nam đang tương đối ổn định và không gây tâm lý biến động lớn.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức 5%, song riêng bất động sản tăng tới hơn 10%. Nhiều vốn đổ vào bất động sản liệu có đáng lo ngại không, thưa Bộ trưởng?

Tại cuộc họp liên Bộ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải thích rằng vừa qua khu vực bất động sản có khởi sắc trở lại, nhiều dự án tiếp tục và khởi công mới, nhu cầu vốn có tăng lên. Thị trường ấm lên cho thấy khả năng tiêu thụ sản phẩm bất động sản có tăng. Nên chuyện hút vốn vào từ các nguồn khác nhau vào lĩnh vực bất động sản là bình thường.

Các chỉ số cũng cho thấy, mức tăng này nằm ở phân khúc với những nhà đầu tư đầu tư trực tiếp và bán trực tiếp cho người tiêu dùng, không qua mua bán trung gian nên ngân hàng có thể kiểm soát nguồn tiền, dự án có sản phẩm và bán thực tế. Điều này sẽ hạn chế chuyện bong bóng bất động sản và nợ xấu bởi nguồn tiền cho bất động sản ấm lên nhưng không ở mức quá cao.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận định vẫn cần cảnh giác bong bóng bất động sản, lo ngại nhu cầu ảo và nguy cơ nợ xấu trong giai đoạn sau nếu không được kiểm soát tốt. Do đó, vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm soát để không tạo bong bóng bất động sản và thị trường ảo.

Diễn biến giảm giá dầu giảm thời gian vừa qua có ảnh hưởng tới thu ngân sách của ta không thưa Bộ trưởng?

Nước ta vừa xuất khẩu dầu và nhập khẩu, nhưng nhập nhiều hơn xuất vì ta xuất dầu ra là khi giá thế giới giảm nên thu ngân sách giảm rất mạnh. Ta dự toán xuất ra là 100 USD/thùng mà giá thế giới 40 – 50 USD/thùng, giảm 50%, nên chắc chắn năm nay ngân sách sẽ chịu tác động của giá dầu.

Tuy nhiên, ta nhập nhiều hơn xuất nên việc giá dầu thế giới giảm thì nền kinh tế của ta sẽ được lợi khi nhập xăng dầu. Bởi giá xăng dầu giảm làm nhiều ngành và dịch vụ giảm theo do giá nguyên liệu đầu vào giảm, thúc đẩy sản xuất và GDP tăng cao hơn, tạo giá trị gia tăng cao hơn và thu ngân sách cao hơn. Dự báo, hụt thu từ xuất khẩu dầu mỏ nhưng bù lại nền kinh tế được hưởng lợi từ giá dầu giảm, nên chắc chắn thu ngân sách sẽ đạt và vượt.

Vậy trong cuộc họp của tổ điều hành liên Bộ, nút thắt lớn nhất hiện nay mà nền kinh tế phải đối mặt là gì?

Việc đưa ra giải pháp để thúc đẩy kinh tế trong 6 tháng cuối năm là năm vô cùng quan trọng. Bởi đây là năm kết thúc 5 năm kế hoạch 2011 – 2015. Qua phân tích đánh giá, vấn đề mà các bộ, ngành nhận định tăng trưởng mạnh nhưng có ba vấn đề thách thức mà ta đang đối mặt:

Trước hết, lĩnh vực nông nghiệp giảm mạnh. Năm 2014 ngành nông nghiệp đóng góp 3,4% nhưng 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,17%. Nguyên nhân là do hạn hán, nhiều cây trồng sản lượng giảm. đặc biệt là sự giảm mạnh của thủy hải sản, nhiều mặt hàng không xuất khẩu được, sản xuất trong nước giảm, dịch bệnh khiến cho kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản trong 6 tháng đầu năm giảm.

Vấn đề đặt ra, nông nghiệp là trụ đỡ, nền tảng kinh tế Việt Nam, thu hút nhiều lao động, liên quan an sinh xã hội nhưng kim ngạch xuất khẩu, tiêu thụ lại giảm mạnh do thời tiết, thị trường thì đây là vấn đề đáng lo, cần bàn bạc và chung lưng tháo gỡ khó khăn.

Thứ hai là vấn đề xuất nhập khẩu. Ba năm liên tục là xuất siêu nên cán cân thanh toán ngoại tệ thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng lên và tốt. Nhưng 6 tháng đầu năm nhập siêu, khoảng 4,7% so với kim ngạch xuất khẩu, trong khi chỉ tiêu Quốc hội duyệt chỉ 5%, nên đây là thách thức. Nếu tiếp tục để nhập siêu vọt quá 5% thì ta sẽ mất cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ, giảm thặng dư, gây áp lực lên tỷ giá.

Do đó phải thúc đẩy xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, vì ngành này mang lại giá trị thặng dư cao; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng không thiết yếu cho đời sống, hàng xa xỉ cần phải hạn chế nhập. Đồng thời, cần đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả hàng nhái để thúc đẩy sản xuất trong nước. Đó là vấn đề quan trọng.

Thứ ba, ngành chế biến chế tạo đóng góp tăng trưởng nhưng chủ yếu từ khu vực FDI, kể cả giá trị gia tăng, GDP và xuất khẩu. Rõ ràng ta cần có khu vực kinh tế của Việt Nam, mà trực tiếp là DN vừa và nhỏ, DN dân doanh phát triển mạnh, có thương hiệu Việt Nam. Ta tự chủ kinh tế thì tốt hơn, đóng góp tăng trưởng nhiều hơn. Đó là trăn trở của các bộ ngành. Do đó, vấn đề thực hiện tốt Nghị quyết 19 về tạo môi trường cạnh tranh, vừa rồi ta đã mở visa cho du lịch nhưng visa cho nhà đầu tư chưa ổn, chính sách hỗ trợ DN…

Cẩm An (ghi)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên