MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Thăng đề xuất thay đổi giờ làm ở HN, TP.HCM từ tuần sau

“Đề xuất thay đổi giờ làm để giảm ùn tắc giao thông đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, không có gì thay đổi thì sẽ thử nghiệm từ tuần sau”.

Tối qua (19/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã cho PV Báo Giáo dục Việt Nam biết những thông tin mới nhất về việc thử nghiệm thay đổi giờ làm việc và giờ học tại Hà Nội và TP.HCM. “Đề xuất thay đổi giờ làm, giờ học để giảm ùn tắc giao thông đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, dự kiến nếu không có gì thay đổi thì sẽ thử nghiệm từ tuần sau, tức là ngay trong tháng 10 này”, Bộ trưởng Thăng cho hay.

"Các gia đình không phải quá lo lắng chuyện đón con"

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, giờ làm việc của khối các cơ quan trung ương, cơ quan thành phố và các trường học sẽ được điều chỉnh vào các khung giờ khác nhau để chống tình trạng ùn tắc hiện nay tại Hà Nội và TP.HCM.

Thông tin đề xuất điều chỉnh giờ làm việc và giờ học của hai đô thị lớn nhất đất nước được chính thức đưa ra trong cuộc làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải với Hà Nội vào chiều 17/10 vừa qua. Sau những động thái tích cực của lãnh đạo Bộ Giao thông nhằm hạn chế phương tiện cá nhân thì những hành động tiếp theo lần này cho thấy tân Bộ trưởng Bộ GTVT và các đơn vị có liên quan đang hết sức nỗ lực để sớm thu được những kết quả khả quan hơn nữa trong việc chữa trị “căn bệnh ùn tắc” ngày càng nặng lên ở TP.HCM và Hà Nội.

Sau khi thông tin đề nghị điều chỉnh giờ làm được đưa ra, rất nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại rằng đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình bị ảnh hưởng, nhưng trong cuộc trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Thăng đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ sắp xếp một cách khoa học và hợp lý để vừa đảm bảo công việc vừa không để ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ viên chức, do vậy không nên quá lo lắng về chuyện phải đón con hay sinh hoạt gia đình.

Mọi cố gắng của chúng tôi cũng là nhằm giảm ùn tắc, giúp cho các công việc của nhân dân ở hai thành phố lớn thuận tiện hơn mà thôi”.

Ông Thăng cũng nêu quan điểm, những tuyến đường trọng điểm hiện nay phải cấm taxi, tăng đường một chiều để tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển tốt hơn và xây dựng nhanh các cầu vượt qua các điểm giao cắt; rà soát vỉa hè lòng đường, cấm phương tiện dừng đỗ xe dưới lòng đường để người dân tham gia lưu thông tốt.

Các nhà quản lý ở các sở ban ngành và nhiều nhà khoa học đều có chung nhận định nên hạn chế phương tiện cá nhân là ô tô trước, vì mỗi chiếc xe bốn chỗ chiếm diện tích bằng ít nhất bốn chiếc xe máy và bài học về quản lý giao thông ở các nước trên thế giới cũng cho thấy, ô tô cá nhân là nguyên nhân quan trọng gây ra ùn tắc giao thông. Các nhà chức trách cũng cho rằng, nên áp dụng thu phí với ô tô cá nhân đi vào các tuyến phố trung tâm giờ cao điểm, nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng khá thành công.

"Chuẩn bị giải pháp để cùng bàn, không kể lể khó khăn"

Theo thống kê của Tổng Công ty vận tải Hà Nội, chỉ sau 5 năm lưu lượng giao thông trên các trục đường phố chính của Hà Nội tăng trên 2 lần và đều vượt mức 30.000 hành khách/giờ/hướng, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn. Tại cuộc họp chiều ngày 17/10, Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nêu vấn đề: tăng cường sử dụng làn dành riêng cho xe buýt, phát triển xe buýt nhanh, xe buýt chuyên trách với khối lượng lớn nhằm vận chuyển khách, tăng cường vận tải công cộng, hạn chế xe cá nhân chỉ nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông nội đô.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Thăng cũng phát biểu thẳng thắn: “Đề xuất ưu tiên cho xe buýt phải mang tính đột phá, nếu không vẫn đâu vào đó. Giả sử chúng ta cấm phương tiện cá nhân lưu thông trong giờ cao điểm tại một số tuyến thường xuyên ùn tắc thì xe buýt có khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển không?”.

Nói về vấn đề sử dụng phương tiện giao thông công cộng, TS. Nguyễn Xuân Thủy – Nguyên Giám đốc NXB Giao thông (Bộ giao thông) – chuyên gia đã có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, nhận định: “Hà Nội có chủ trương là đến 2015, xe buýt đảm đương vận chuyển 15-30% lượng hành khách. Tôi cho rằng đó là một kế hoạch không tưởng, vì để đạt được mong muốn này thì sẽ phải có vài nghìn chiếc xe nữa, mà hạ tầng của chúng ta làm sao có thể đáp ứng nổi số xe này? Điều cần thiết là phải có tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và tàu ngoại thành.

Ngay ở những nước phát triển thì phương tiện cá nhân vẫn được yêu thích nhất, còn phương tiện công cộng có dịch vụ tốt thì tự khắc người dân sẽ sử dụng chứ không thể bắt ép được. Trong hệ thống giao thông công cộng thì xe buýt là phương tiện có năng lực trung bình, đáp ứng yêu cầu của thành phố có từ 10-70 vạn dân, nhưng khi đã phát triển đến trên 1 triệu người thì cần có tàu điện ngầm, vì lúc đó dòng xe dày rồi nên phải tận dụng dòng không gian dưới lòng đất”.

Tắc đường không bao giờ giải quyết triệt để được mà chỉ giải quyết cơ bản, theo tính toán sơ bộ thì chúng ta đã chậm tới 25-30 năm so với thế giới, nhưng nếu có tư duy mới, tạo ra những bước đột phá như: phát triển tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, cải tạo mạng lưới đường sắt, thiết lập mạng lưới tàu ngoại thành, các tuyến đường nối về các thành phố vệ tinh, quy hoạch hợp lý các khu dân cư, kéo giãn các khu dân cư trung ra ngoại thành, cải tạo mạng lưới giao thông để đạt tỷ lệ diện tích đường giao thông chiếm khoảng 15-20%, nâng cấp hệ thống thông tin biển báo giao thông…

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nếu áp dụng được tất cả các biện pháp vừa nêu thì cũng phải hàng thập kỷ nữa mới giải quyết được cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông, bởi các dự án cần phải có thời gian triển khai.

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã nêu tất cả những vấn đề này với Bộ trưởng Thăng và nhận được câu trả lời: “Tôi chắc chắn rằng, thử nghiệm giờ làm và giờ học mới sẽ mang lại hiệu quả giảm ùn tắc ngay lập tức. Tất nhiên là còn rất nhiều vấn đề bất cập cần phải xử lý, về lâu dài chúng ta cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nữa thì mới thực sự kiểm soát được ùn tắc giao thông. Quan điểm của tôi rất rõ ràng khi làm việc, đó là phải chuẩn bị giải pháp để cùng bàn, chứ không kể lể khó khăn, vì điều đó thì ai cũng biết rồi”.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến do báo Giáo dục Việt Nam tổ chức vào sáng 18/10 với chủ đề: "Làm sao cứu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khỏi kẹt xe", trả lời câu hỏi của độc giả nêu băn khoăn về việc thay đổi giờ làm,Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói: "Chúng tôi cho rằng các giải pháp phải đồng bộ và phải phục vụ cho số đông. Ví dụ, con tôi đang học tại quận Cầu Giấy nhưng vẫn phải học 2 ca, 11h tan học và 14h lại bắt đầu ca học thứ 2.

Bản thân tôi nếu đón đưa như vậy thì tôi phải nghỉ giờ làm, do đó, tôi phải tự tổ chức để bố trí sắp xếp đáp ứng giờ học như quy định. Vì vậy, tôi nghĩ phải xem xét tới số đông, với điều kiện sẽ tác động tích cực để cải thiện tình hình giao thông.

Mỗi gia đình, mỗi cá nhân phải sắp xếp một cách hợp lý. Như trường hợp của tôi, tôi phải nhờ ông ngoại đưa và đón con tôi đi học".



 Theo Ngọc Quang
giaoduc.net.vn

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên