MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Vinh lo Luật Hình sự "bó" luật kinh tế

“Không để tình trạng Hiến pháp thì mở ra còn các bộ luật, các điều luật thì lại đóng lại” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên thảo luận về Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của Quốc hội, sáng 16/6.

Không ở vị trí thay mặt ban soạn thảo dự án luật như nhiều lần khác, Bộ trưởng Vinh đăng ký tham gia phát biểu như một vị đại biểu bình thường. Nhưng góp ý của ông lại rất khác với dòng thảo luận chung.

Cùng với hàng loạt dự thảo luật khác, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), theo Bộ trưởng đang được xây dựng hoặc đang sửa đổi theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là đảm bảo tốt hơn quyền tự do công dân, quyền con người, cũng như quyền tự do kinh doanh của các tổ chức và cá nhân.

“Đây là hướng tiến bộ, phù hợp với xu thế của thế giới cũng như để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, đây cũng là tư tưởng lớn mà Quốc hội đã thông qua”, ông Vinh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, trong lĩnh vực kinh tế Điều 33 Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ là mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Và thông lệ của quốc tế là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự. Đây là vấn đề không mới nhưng rõ ràng nó vẫn đang là những trở ngại, là những rào cản đối với công cuộc đổi mới sáng tạo làm nản lòng rất nhiều nhà đầu tư, doanh nhân muốn bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, ông Vinh nhìn nhận.

Vị Bộ trưởng rất tâm huyết với cải cách thể chế kinh tế cũng chắc chắn “ trong 41 doanh nghiệp có mặt trong Quốc hội hôm nay cũng như mấy trăm nghìn các doanh nghiệp khác đều phản ánh và rất lo lắng việc này”.

Bởi, nếu Bộ luật Hình sự khái niệm không minh bạch, rõ ràng thì chắc chắn đang là rào cản rất lớn, khi đầu tư kinh doanh chỉ sơ xảy là có thể bị quy tội hình sự.

Ông Vinh cho rằng, khi sửa Bộ Luật hình sự thì đó là những vấn đề mà cần phải xem xét, vì trong một đất nước đang đổi mới, đang chuyển đổi như thế này thì không phải mọi thứ đều minh bạch rõ ràng được, nếu không có tư tưởng theo Hiến pháp năm 2013 để rộng mở hơn thì rất khó.

Quan điểm của ông là những sai phạm kinh tế phải được xử lý bằng các biện pháp kinh tế, để thu hồi lợi nhuận và khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp. Thậm chí có thể phạt nặng hơn rất nhiều những cái mà họ đã chiếm, để ngăn chặn tái diễn trong tương lai. Còn biện pháp hình sự chưa chắc đã đảm bảo được mục tiêu đó.

“Rất nhiều vụ án đã xử, họ vào tù nhưng tài sản không thu hồi được trở thành thất thoát. Lẽ ra để cho họ sống thì tài sản đó được thu hồi, thậm chí họ còn trở thành anh hùng và đã có nhiều người như vậy”, ông Vinh lập luận.

Không đề cập từng điều, khoản cụ thể, nhưng đại biểu Bùi Quang Vinh cho rằng trong một nền kinh tế chuyển đổi có thể động viên mọi người bỏ tiền đầu tư kinh doanh, làm ăn, đóng góp, sáng tạo và đổi mới. Có nhiều đổi mới có thể đi trước và có thể không đúng luật pháp. “Nếu chúng ta quy vào những tội không rõ ràng sẽ rất nguy hiểm cho đất nước”, ông Vinh nói.

Bộ trưởng Vinh cũng nhắc lại một nguyên tắc nữa trong làm luật là phải đảm bảo lợi ích cho số đông, còn có một số rất ít vi phạm phải có chế tài xử lý riêng biệt. Không thể vì một ít vi phạm nhỏ hoặc một số cá thể nào đó mà lại đưa ra một luật phổ cập cho tất cả mọi người phải trói lại, đó là cái sai.

Với nguyên tắc này, ông Vinh đồng tình với đề xuất phi tội phạm hóa các tội kinh doanh trái phép và tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế.

Với tội cố ý làm trái quy định quản lý về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Vinh cũng đồng ý với quy định của dự thảo Bộ luật theo hướng không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn tại dự thảo bộ luật.

Các tội trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, ông Vinh cũng cho rằng cố gắng không hình sự hóa nhiều mà bằng biện pháp để thu hồi được và ngăn chặn bằng biện pháp kinh tế là tốt nhất.

Sau khi Quốc hội thảo luận lần đầu, Bộ trưởng Vinh cho rằng tiếp theo cần có hội thảo riêng để các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng quản lý kinh tế cùng tham gia đóng góp cho từng điều luật về những vấn đề kinh tế của dự thảo luật, để đảm bảo được theo tinh thần Hiến pháp, tạo ra động lực cho đất nước phát triển.

“Những luật về kinh tế có thoáng bao nhiêu chăng nữa mà Luật Hình sự bó chặt lại, không rõ ràng, minh bạch thì không ai dám bỏ tiền làm ăn, tôi chắc chắn như vậy và đây là vận mệnh của đất nước”, ông Vinh kết thúc bài phát biểu.

Theo Nguyễn Lê

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên