MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời Quốc hội hướng sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu

Một trong những nội dung cần xem xét là (i) cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu bám sát với tín hiệu của thị trường hơn; (ii) tạo sự thuận lợi cho quá trình cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh.

Chiều nay, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn các “tư lệnh” ngành đầu tiên tại hội trường. Bộ trưởng Bộ Công thương – Vũ Huy Hoàng đã tham gia trả lời chất vấn cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm làm rõ một số vấn đề.

Liên quan đến sửa đổi/bổ sung nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương – Vũ Huy Hoàng cho biết:

TRên thực tế, việc vận hành Nghị định 84 trong thời gian qua mang lại nhiều kết quả, trong đó theo Bộ Công thương kết quả lớn nhất đạt được là đã tạo tiền đề thuận lợi để chúng ta thực hiện chủ trương giá bán theo cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Nghị định 84 còn có những phát sinh cần xem xét điều chỉnh sửa đổi bổ sung.

Một trong những nội dung quan trọng cần xem xét là (i) làm sao cơ chế  điều hành kinh doanh xăng dầu bám sát với tín hiệu của thị trường hơn; (ii) tạo sự thuận lợi cho quá trình cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Chính vì vậy, thời gian qua được Chính phủ phân công, Bộ Công thương làm cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ ngành nghiên cứu vào báo cáo với Chính phủ. Đây là vấn đề liên quan toàn dân nên các Bộ các ngành trong công tác tham mưu rất cẩn trọng, đặc biệt là chỉ đạo của các đồng chí phó Thủ tướng trực tiếp và Thủ tướng Chính phủ  thấy rằng cần phải xem xét toàn diện các vấn đề để khi chúng ta sửa đổi Nghị định 84, nó thực sự đi vào cuộc sống và khắc phục được những bất cập của Nghị định 84. Xung quanh sửa đổi các bất cập:

Một, phải bám sát hơn diễn bị thị trường xăng dầu thế giới – tần suất điều chỉnh, thời gian tính giá cơ sở (phải ngắn hơn để bám sát hơn với diễn biến thị trường thế giới;

Hai, tạo thêm điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu cạnh tranh hơn trong sự quản lý của Nhà nước, thêm nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu, tránh độc quyền. Hiện chúng ta có cơ chế doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý và đại lý bán lẻ, chưa đủ những hình thức để tạo ra cơ chế cạnh tranh nên cần phải thiết kế mạng lưới phân phối rộng khắp hơn, tạo điều kiện cho người dân có thể tham gia vào kinh doanh. Trong thiết kế có tính đến mua đứt bán đoạn với thương nhân có điều kiện kinh doanh xăng dầu;

Ba, sử dụng một cách hiệu quả hơn quỹ bình ổn xăng dầu;

Bốn, nhiên liệu sinh học – Bio Ethanol. Trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai một số nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio Ethanol từ sắn, mía, ngô – nguồn nguyên liệu sạch, khi pha trọn với xăng với tỷ lệ nhất định vẫn đảm bảo chất lượng và giảm giá thành xăng, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Vì một số nội dung mới, nên Nghị định 84 sửa đổi bị chậm ban hành. Bộ Công thương xin nhận trách nhiệm và hứa sau khi Thủ tướng Chính phủ xem xét tờ trình gần đây nhất của các Bộ các ngành mà Bộ Công thương làm đầu mối Bộ sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất sẽ ban hành nghị định thay thế nghị định 84 đáp ứng được các yêu cầu.

Liên quan đến nội dung vì sao Chính phủ lại quyết định chuyển điều hành giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, bởi Bộ Công thương là cơ quan chủ quản của Tập đoàn Petrolimex, chủ quan của cơ quan quản lý cạnh tranh trong đó có xử lý cạnh tranh các doanh nghiệp xăng dầu và Bộ là cơ quan quản lý thị trường – trong đó có thị trường xăng dầu và Bộ có toàn quyền điều hành giá nên Đại biểu Quốc hội cho rằng có xung đột về quyền và trách nhiệm. Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Hoàng cho hay:

Bản thân Bộ Công thương không muốn có sự điều chỉnh này (chuyển điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công thương). Chúng tôi vẫn muốn duy trì và đề xuất với Chính phủ duy trì việc Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì việc điều hành giá và Bộ Công thương là phối hợp như hiện hành.

Thực ra, Bộ Tài chính cũng không phải là cơ quan quyết định giá xăng dầu, Bộ Tài chínhchỉ là tổ trưởng tổ điều hành giá xăng dầu – tổ liên ngành Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Nếu Bộ Công thương không đồng ý, không nhất trí Bộ Tài chính phải báo cáo với Chính phủ để quyết định giá.

Bây giờ “đổi vai”, Bộ Công thương làm đầu mối, Bộ Tài chính phối hợp, nếu Bộ Tài chính không đồng ý Bộ Công thương cũng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ chế liên ngành, chứ không phải một Bộ quyết định được.

Về minh bạch hóa giá xăng dầu: Bộ Công thương thời gian qua liên tục yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu phải công khai minh bạch các hoạt động của mình: các hoạt động kinh doanh, giá xăng dầu, tiền lương, kết quả sản xuất kinh doanh. Ngày 23/04/2014, Bộ Công thương đã ban hành văn bản công khai minh bạch giá điện và giá xăng dầu.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên