MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bội chi của Việt Nam đang lớn hơn chi cho phát triển

Mức độ an toàn của nợ công Việt Nam hiện nay được đánh giá là “rủi ro vỡ nợ thấp”, nhưng khả năng trả nợ từ nguồn thu ngân sách hạn chế và nợ công còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức độ an toàn nợ công không bền vững.

Nhận định trên được ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển đưa ra tại Hội thảo Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 – 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Dẫn ra từ nghiên cứu “Xác định phạm vi nợ công và trần nợ công an toàn của Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020”, ông Hùng cho biết nợ công năm 2013 tính theo Luật Quản lý nợ công (năm 2009) là 54,2% GDP.

Tuy nhiên, nợ công tính thêm nợ phải trả của Ngân sách nhà nước trung ương và địa phương ước khoảng 165.000 tỷ, tương đương 4,55% GDP năm 2013.

Rủi ro vỡ nợ thấp

Nợ công tính thêm các khoản nợ của Ngân hàng phát triển Việt Nam và ngân hàng chính sách xã hội tính đến cuối năm 2013 là khoảng 41,4 ngàn tỷ (tương đương 1,15% GDP năm 2013).

Nợ công tính thêm nợ bất khả kháng, tức chiếm 5% tổng nợ công trong nước là 49,519 tỷ (tương đương 1,38% GDP năm 2013).

Như vậy, các khoản nợ công trên khiến cho tỷ lệ nợ công/GDP là 61,28%. Như vậy cao hơn 7,08% so với cách tính theo Luật Quản lý nợ công năm 2009.

Hiện nợ vay trong nước (50,99%) có tỷ trọng cao hơn so với nợ vay nước ngoài và có xu hướng tăng.

Kết quả nghiên cứu về mức độ an toàn nợ công của Việt Nam đang được đánh giá là “rủi ro vỡ nợ thấp”, nhưng khả năng trả nợ từ nguồn thu ngân sách còn hạn chế và nợ công còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên mức độ an toàn nợ công là không bền vững.

Cũng bởi, tỷ lệ nghĩa vụ trả chính phủ/thu ngân sách và nghĩa vụ trả nợ công/thu ngân sách đang ở mức cao và có xu hướng tăng, ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ và sự an toàn nợ công.

Cụ thể, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ/Tổng thu ngân sách của Việt Nam năm 2013 là 22,6% (bao gồm cho vay lại); dự báo năm 2014 là 25,92% và năm 2015 31,87%.

Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ công/tổng thu ngân sách, bao gồm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ bảo lãnh Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương năm 2013 tỷ là 33,39% gồm cho vay lại; dự báo năm 2014 là 38,7% và năm 2015 là 45,02%.

Nguyên nhân khiến cho nghĩa vụ trả nợ công tăng cao năm 2014 – 2015 là do vay nợ trái phiếu 2013 kỳ hạn rất ngắn, chủ yếu phải trả vào năm 2014 và 2015, khi có tới gần 70% trái phiếu năm 2013 có kỳ hạn dưới 2 năm.

Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ công/thu ngân sách của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực: Malaysia: 8,8%; Philippines 16,7%; Thái Lan: 2,1%; Nhật Bản là 24,7%.

Bội chi lớn hơn chi đầu tư phát triển

Cân đối nguồn trả nợ trong ngân sách Nhà nước hiện không đủ, vay để trả nợ gốc ngày càng tăng. Vay trả nợ gốc năm 2014 là gần 80.000 tỷ; năm 2015 là 130.000 tỷ.

Bội chi lớn hơn chi đầu tư phát triển, làm giảm tính bền vững nợ công và tạo ra rủi ro lớn cho ngân sách trong trung và dài hạn. Từ đầu năm 2014 Việt Nam bắt đầu phải vay để chi tiêu, trả lãi và trả nợ, chứ không vay để đầu tư, đã làm giảm tính bền vững của nợ công trong tương lai.

Trong dó, theo dự toán ngân sách năm 2014, số bội chi là 224 ngàn tỷ, đã vượt 61 ngàn tỷ so với chi đầu tư phát triển là 163 ngàn tỷ. Dự toán năm 2015, chi đầu tư phát triển là 195 ngàn tỷ, bội chi ngân sách 226, tức là chênh lệch 31 ngàn tỷ.

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực. Hiện tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tính theo cách tính của nhóm nghiên cứu là 61,28% năm 2013 và tăng lên 66,4% năm 2014.

Mức này cao gấp 1,73 lần mức bình quân của các nước đang phát triển và cao nhất trong nhóm nước đang phát triển trong khối ASEAN. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro làm tăng nợ công và có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên