MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước ngoặt cổ phần hóa “ông lớn” hàng không thứ hai

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng trong tiến trình cổ phần hóa...

Sau Vietnam Airlines, một “ông lớn” khác của ngành hàng không đang đạt được những bước đi thuận lợi để có thể cổ phần hóa. Đó là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Thẩm quyền Thủ tướng

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về việc cổ phần hóa ACV, theo đó đồng ý với kế hoạch cổ phần hóa đã được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng và trình lên Chính phủ.

Theo văn bản này, Bộ Tài chính cho rằng phương án cổ phần hóa của công ty mẹ ACV đã bao gồm các nội dung cơ bản tại Nghị dịnh số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NH-CP, đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (hàng không…) và các công ty mẹ thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thì tỷ lệ cổ phần đấu giá bán cho các nhà đầu tư do Thủ tướng hoặc cơ quan được Thủ tướng ủy quyền xem xét, quyết định cụ thể.

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng “tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và bán công khai cho các nhà đầu tư tại phương án cổ phần hóa ACV thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Thủ tướng”.

Trong phương án cổ phần hóa công ty mẹ ACV trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cho phép điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ Nhà nước tại công ty mẹ từ 75% xuống không thấp hơn 65%, theo hình thức bán bớt phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào thời điểm thích hợp sau cổ phần hóa ACV.

Căn cứ vào nhu cầu vốn thực tế từng thời điểm, ACV sẽ phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu vào thời điểm thuận lợi, đảm bảo tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp không thấp hơn 65% vốn điều lệ.

Vẫn theo văn bản này, trường hợp số cổ phần ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn không bán hết như phương án được phê duyệt, cho phép ACV tiến hành bán đấu giá công khai (IPO).

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc tiếp tục cấp vốn cho 8 dự án hạ tầng sử dụng vốn ngân sách do ACV làm chủ đầu tư, với tổng giá trị khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng, theo như đề xuất trước đó.

Các khoản ngân sách đã và sẽ cấp theo đề nghị này sẽ được theo dõi riêng tại tài khoản phải trả Nhà nước, sử dụng để tăng vốn Nhà nước khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty Cổ phần phát hành tăng vốn điều lệ.

Văn bản của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, việc ACV tăng vốn điều lệ và sử dụng vốn cho các dự án đầu tư, kể cả trường hợp được giao thực hiện dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đều phải theo nghị quyết đại hội cổ đông và người đại diện vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng quyết định.

Vẫn theo văn bản của Bộ Tài chính, ACV sẽ được “tiếp tục vận hành và khai thác các tài sản có giá trị trong khu bay theo hình thức cho thuê tài sản hoạt động, nhằm xác lập sở hữu tài sản Nhà nước và không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác an ninh, an toàn bay”.

Gần 38.000 tỷ đồng “giá trị thực tế”

Trước đó, tại tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV vào tháng 5/2015, Bộ đề xuất căn cứ kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, tổng giá trị các tài sản thuộc khu bay không nằm trong phạm vi cổ phần hóa hơn 1.914 tỷ đồng.

Để quản lý, sử dụng, vận hành và khai thác các tài sản này, Bộ sẽ giao cho ACV “tiếp tục vận hành và khai thác các tài sản trong khu bay theo hình thức cho thuê tài sản hoạt động, nhằm đảm bảo xác lập sở hữu tài sản Nhà nước đối với các tài sản thuộc khu bay”, đồng thời đảm bảo tính kế thừa, duy trì sự vận hành tài sản, nhân lực một cách liên tục, không gây xáo trộn ảnh hưởng đến công tác an ninh, an toàn”.

Về đơn giá, hình thức và các điều kiện thuê tài sản, kết cấu hạ tầng khu bay, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, xây dựng cơ chế, hợp đồng thuê trình Thủ tướng phê duyệt.

Tháng 12/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt giá trị thực tế của công ty mẹ ACV tính đến ngày 30/6/2014 là 37.919 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế vốn Nhà nước là 20.769 tỷ đồng.

Giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hóa và giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại công ty mẹ nói trên không bao gồm giá trị các tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (khoảng 1.914,5 tỷ đồng).

Theo Anh Minh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên