MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các "ông lớn" ngành Công thương đã cổ phần hóa, thoái vốn thế nào trong 4 năm qua?

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, CPH, thoái vốn của DNNN. Trong đó, đáng chú ý nhất là sẽ tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty 91 gồm Dầu khí, điện lực, Than Khoáng sản, Hóa chất, Thuốc lá…

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2015, kế hoạch 2016 – 2020 diễn ra sáng ngày 24/12 tại Hà Nội.

Cổ phần hóa: Chưa thu hút nhà đầu tư ngoại

Theo ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng – Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, trong số 7 doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hóa năm 2015 có 3 tổng công ty và 4 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Cụ thể, các tổng công ty gồm Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; Giấy Việt Nam; Máy và Thiết bị công nghiệp. Các công ty trách nhiệm hữu hạn gồm Công ty Điện máy và Đầu tư; Công ty Xây lắp và Vật liệu xây dựng V; Công ty Thực phẩm và Đầu tư công nghệ Fococev; Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC.

Đối với các tổng công ty, đến nay Bộ Công Thương đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và dự kiến sẽ thực hiện bán cổ phần lần đầu trong quý I/2016. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cũng sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015 hoặc tháng 1/2016, riêng công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC, Bộ đang chỉ đạo xác định giá trị doanh nghiệp và hoàn thành cổ phần hóa trong Quý I/2016.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong giai đoạn 2011 – 2015, về cơ bản Bộ Công Thương đã hoàn thành việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chuyển đổi 8 DNNN thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Bao gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, TCT Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam; Cty TNHH MTV Giao nhận kho vận ngoại thương; Cty TNHH MTV Điện máy; Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại; Cty TNHH MTV Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI; Cty TNHH MTV Caric; Cty TNHH MTV Cơ khí Duyên hải. Được biết, hiện nay tổng số vốn Nhà nước còn nắm giữ ở 8 DN nêu trên đạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Như vậy, trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Công Thương hoàn thành công tác sắp xếp, cổ phần hóa 15 DN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Trong đó số DN cổ phần hóa có nhà đầu tư chiến lược có 5 DN, chủ yếu là các Tập đoàn và các TCT.

Với các nhà đầu tư chiến lược, phần lớn là nhà đầu tư trong nước và chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần của các DN thuộc Bộ.

Tái cơ cấu, thoái vốn còn nhiều khó khăn

Tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã giải quyết chế độ chính sách lao động dôi dư cho hơn 300 lao động ở các DN cổ phần hóa trực thuộc Bộ theo quy định. Đồng thời, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động số lượng khoảng trên 3,96 triệu cổ phần và số cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn khoảng trên 73.000 cổ phần.

Tuy nhiên, đối với hoạt động tái cơ cấu và thoái vốn, Bộ trưởng cho rằng mặc dù Bộ và các DN đã tích cực thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, song công tác này vẫn chưa đạt được mong muốn. Theo Bộ trưởng, đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, DN còn nhiều khó khăn, vướng mắc tài chính và công nợ, tài sản nên những DN còn lại chưa thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn là khó khăn nhất.

Giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN. Trong đó, đáng chú ý nhất là sẽ tập trung cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty 91 gồm Dầu khí, điện lực, Than Khoáng sản, Hóa chất, Thuốc lá… đều là những tập đoàn đầu tàu, có nghĩa quan trọng trong nền kinh tế thì sẽ do Chính phủ xem xét, phê duyệt.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên