MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách, mở cửa hội nhập để tiến lên

Cần ngày càng nhiều những doanh nghiệp cỡ vừa và lớn kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Nỗ lực cải cách thể chế từ bên trong, mở cửa với thế giới bên ngoài; tạo điều kiện và môi trường tối đa để các doanh nghiệp (DN) đầu tư, làm ăn, phát triển - Đó là hai đường ray đưa con tàu Việt Nam tiến lên phía trước trong thời gian tới”. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc mở đầu cuộc trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM dịp đầu năm.

Ông Vũ Tiến Lộc

Hai đường ray quan trọng

Thưa ông, năm 2014 đã đặt nhiều nền tảng cho giai đoạn đột phá trong cải cách thể chế, tạo điều kiện và môi trường cho DN phát triển. Trong đó điểm nhấn nhất là sự ra đời của Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi. Ông thấy cộng đồng DN trong nước và DN FDI đón nhận thay đổi này như thế nào?  

Ông Vũ Tiến Lộc (ảnh): Những thay đổi ấy thực sự đã mang lại niềm tin đối với cộng đồng DN và người dân. Đây là thành quả lớn nhất trong năm 2014 và sẽ được phát huy tác dụng trong năm tiếp theo. Khi phát huy đầy đủ những cải thiện này trong môi trường kinh doanh, hy vọng chúng sẽ tạo một tác động lớn trong cộng đồng DN trong thời gian tới.

Bên cạnh cải cách hành chính và cải cách thể chế mạnh mẽ như vậy, năm 2015 chúng ta hoàn thành việc tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN, hoàn thành ký kết các hiệp định thương mại tự do mới với các đối tác hàng đầu trên thế giới. Những bước đi này tiếp tục tạo động lực để chúng ta cải cách thể chế, tham gia vào luật chơi toàn cầu theo những chuẩn mực thế giới.

Việc mở ra một không gian lớn trên thị trường đối với tất cả nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, EU, Nga, Hàn Quốc… với mức thuế thấp nhất. Điều đó tạo động lực đẩy mạnh xuất khẩu cũng như thu hút FDI vào nước ta.

Cơ hội cho Việt Nam tiến lên phía trước đã rõ nhưng không phải “con đường nào cũng trải nhiều hoa hồng”, thưa ông?

Trong quá trình này cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Thời gian gần đây khu vực FDI nổi lên rất là mạnh với sự đầu tư vào Việt Nam của nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, LG, Microsoft, Intel,… Khu vực FDI đang đóng góp quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu. Còn khu vực DNNN đang trong quá trình tái cấu trúc với nhiều tiềm lực cần tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, DN tư nhân trong nước đang là một vấn đề quan ngại. Trong những năm qua khu vực này phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng chưa cao và phần lớn khu vực tư nhân là DN nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về quy mô, khó có điều kiện cải thiện công nghệ và quản trị, khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Quá trình hội nhập và phát triển đòi hỏi khu vực tư nhân trong nước phải lớn lên. Chúng ta không thể phát triển dựa vào đầu tư nước ngoài hay DNNN được mà phải phát động được phong trào toàn dân làm kinh tế để có khu vực dân doanh phát triển mạnh. Để theo kịp các chuẩn mực thế giới, DN tư nhân phải có quy mô thích hợp và có trình độ công nghệ, quản trị tương xứng. Đây cũng chính là hạn chế của DN Việt Nam.

Phải lớn lên cả về chất lẫn lượng

Vậy theo ông cần làm gì để khắc phục thách thức này?

Khắc phục vấn đề này đòi hỏi sự nỗ lực của cộng đồng DN và sự trợ giúp của Chính phủ. Chúng ta đã có nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho các DN ra đời thuận lợi như Luật DN, Luật Đầu tư. Thế nhưng vấn đề là làm sao tạo điều kiện cho DN lớn lên. Hiện hệ thống chính sách còn nhiều vấn đề phải bàn, đây là vấn đề lớn nhất hiện nay.

Nhận thức được điều này, hàng loạt chủ trương chính sách và trong thông điệp của Thủ tướng trong thời gian gần đây đều nhấn mạnh đến việc khuyến khích phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước. VCCI đang đề xuất một chương trình hành động tái khởi động khu vực kinh doanh trong nước. Những năm vừa rồi đã có giai đoạn bùng nổ về số lượng, bây giờ là giai đoạn tái khởi động khu vực tư nhân trong nước để các DN ra đời kinh doanh có hiệu quả và lớn lên để Việt Nam ngày càng có nhiều DN cỡ vừa và DN lớn kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là giai đoạn phát triển mới để DN Việt Nam phải lớn lên về chất lượng chứ không chỉ nhiều về số lượng.

Được biết trong tấm thiệp chúc tết năm nay của VCCI, ông đã gửi gắm kỳ vọng của mình vào hình ảnh người mẹ đang bế trên tay đứa con ba tuổi với câu nói: “Lớn lên con sẽ là doanh nhân”. Ông có thể chia sẻ đôi điều về ý nghĩa của hình ảnh này?

Gần đây tình hình DN giải thể, đóng cửa nhiều, tinh thần kinh doanh có phần sa sút. Vì vậy muốn tái khởi động khu vực tư nhân thì phải khơi dậy tinh thần kinh doanh của cả dân tộc. Trước đây khi còn làm tổng biên tập báoDiễn đàn Doanh nghiệp, tôi có ý tưởng làm bìa báo xuân năm 2002 bằng hình ảnh một người mẹ bế một đứa con ba tuổi với tay lên và nói: “Lớn lên con sẽ là doanh nhân” như là một ước vọng vào sự lựa chọn của thế hệ trẻ. Thời điểm đó là giai đoạn 1 phát triển bùng nổ khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam (sau khi có Luật DN 1999). Thì bây giờ lại một lần nữa thông điệp “Lớn lên con sẽ là doanh nhân” tôi muốn đưa ra như là một gửi gắm khơi dậy tinh thần kinh doanh trong toàn dân tộc, nói lên mong mỏi vào thế hệ tương lai, vào một giai đoạn phát triển thứ hai của khu vực kinh tế tư nhân không chỉ nhiều mà còn lớn mạnh.

Xin cám ơn ông.

Những khởi động mang tính tạo nền tảng đáng chú ý năm 2014

- Đầu năm 2014, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, khẳng định Nhà nước đóng vai trò kiến tạo phát triển để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN làm ăn.

- Nghị quyết 15 của Chính phủ đưa ra chương trình cải cách DNNN. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng và là một trong những nội dung để xây dựng thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.

- Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ra đời. Lần đầu tiên một nghị quyết của Chính phủ đã đặt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong cuộc đua cạnh tranh với khu vực và thế giới dựa theo đánh giá khách quan từ bên ngoài (Chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới) về môi trường kinh doanh để đặt ra mục tiêu cải cách hành chính.

- Cuối năm 2014, Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi ra đời với nhiều quy định đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và DN, đảm bảo cho DN có sự linh hoạt cần thiết trong quá trình kinh doanh.



Theo Thu Hằng

huongtt

Pháp luật TP Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên