MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải thiện môi trường kinh doanh: Không dừng lại!

Ngọn cờ cải cách môi trường kinh doanh đã được phất cao từ hơn 2 năm nay và có những dấu ấn nhất định. Nhưng nếu coi cải thiện môi trường kinh doanh là một cuộc đua, thì đó là cuộc đua đặc biệt, vì không có điểm dừng. Bởi dừng lại hay chậm trễ đều có thể bị các nước vượt qua, bị cộng đồng DN trong và ngoài nước chấm điểm kém. Khi đó, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau và mất đi nhiều cơ hội để phát triển trên con đường mưu cầu văn minh, hiện đại.

Kết quả được “đong đếm”

Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và 2015 được coi là các Nghị quyết cải tiến khi lấy chỉ số Doing Business của một tổ chức quốc tế là Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra để chấm điểm cải cách trong nước trên nhiều lĩnh vực. Thế nên, sau hơn 2 năm triển khai, lần công bố Doing Business 2016 vào ngày 28-10-2015 đã thu hút nhiều sự chú ý.

Theo đó, Việt Nam tăng 3 bậc so với xếp hạng năm trước. Trong đó, có 5 chỉ số tăng hạng nhẹ so với năm ngoái. Trước đó, ngày 30-9, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016. Theo đó, Việt Nam đã được ghi nhận tăng 12 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái, đứng thứ 56/140 nền kinh tế được đánh giá.

Tuy mức độ cải thiện của từng chỉ số chưa như kỳ vọng, nhưng những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thời gian qua đã phần nào phát huy tác dụng. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng: Môi trường đầu tư ở Việt Nam có những lợi thế. Vừa rồi chúng tôi làm việc với các DN châu Âu, họ nói trong khu vực ASEAN môi trường đầu tư của Việt Nam chỉ “ngại” nhất Singapore, còn Indonesia, Thái Lan, Malaysia không lo. Bởi Việt Nam có lợi thế hơn hẳn là môi trường xã hội và chính trị rất ổn định.

“Nhưng tại sao Việt Nam cứ dậm chân tại chỗ, lợi thế không được phát huy? Có nhiều vấn đề tồn tại, trong đó có những vấn đề mọi người nói nhiều là bộ máy quản lý. Quyết tâm của Chính phủ rất cao nhưng bộ phận thừa hành còn nhiều bất cập, đạo đức công vụ còn nhiều vấn đề, chưa được cải thiện.

Đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, phải tái cơ cấu lại bộ máy để những công chức Nhà nước cảm thấy chỗ đứng vững chắc, vinh hạnh, tự hào. Giờ bộ máy công chức lương thấp so với mặt bằng chung xã hội, thái độ cửa quyền, gây khó cho DN ở tất cả tỉnh, thành làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính” – ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.

Đại diện của cộng đồng DN “nội” và “ngoại” cũng dành nhiều lời khen ngợi cho những kết quả Việt Nam đạt được. Tại Diễn đàn DN Việt Nam 2015 vào đầu tháng 12, nhắc đến Nghị quyết 19, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) hồ hởi: Chúng tôi rất vui khi được gặp lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh để giải quyết những khó khăn kinh doanh và cải thiện môi trường kinh doanh.

Các lãnh đạo thành phố sẽ đề xuất lên Trung ương một số giải pháp cho những vấn đề quan trọng ở cấp quốc gia. TP. Hồ Chí Minh sẽ thành lập một tổ công tác để gặp gỡ đại diện DN nhằm giải quyết những khó khăn mà các nhà đầu tư và DN đang phải đối mặt, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng và nâng cao tính minh bạch của các quy định và chính sách của Chính phủ Việt Nam.

Đánh giá cao tinh thần cải cách của Chính phủ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng DN của VCCI cho thấy ghi nhận tích cực của DN về những chuyển động mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ ngành và địa phương. Nhưng sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.

Còn những nỗi lo

Bên cạnh sự tích cực thực hiện Nghị quyết 19, hành trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang vấp phải nhiều rào cản, nhiều chướng ngại vật. Đáng lo thay, những rào cản ấy lại được dựng lên bởi những cơ quan đáng ra phải có nghĩa vụ gỡ bỏ các “chướng ngại vật” cho người dân, DN.

Đơn cử, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã nhiều lần phản ánh các địa phương khá thờ ơ trong thực hiện các Nghị quyết 19. Những lớp tập huấn do CIEM tổ chức ở một số địa phương cũng chỉ lác đác người có trách nhiệm tham dự. Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh than thở: Một số bộ, ngành cải cách về chính sách khá tốt, nhưng địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, dẫn đến khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi.

Ngoài ra, trong báo cáo tình hình thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư (sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) vừa gửi đến Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư thì có đến 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, bao gồm cả các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.

Điều đặc biệt đáng lưu ý là sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, một số Bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh. Ví dụ: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13-7-2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp…

Liên quan đến việc “đẻ” thêm các “giấy phép con” này, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) lo ngại nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh xuất hiện mới, vô hình trung trở thành vật cản cho sự phát triển của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng thừa nhận: “Trong bối cảnh tính minh bạch trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều vấn đề, việc kiểm soát các Bộ ban hành Thông tư có chứa đựng về điều kiện đầu tư kinh doanh là không dễ dàng”.

Trong cuộc trao đổi với các phóng viên dịp cuối năm, câu hỏi về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ các “giấy phép con” lại được đặt ra cho người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định chỉ có Nghị định của Chính phủ trở lên mới có quyền hạn chế quyền kinh doanh của người dân và DN. Nhưng các bộ, ngành vẫn ra Thông tư để đặt ra điều kiện kinh doanh và áp đặt.

“Tôi phải nói thẳng rằng, các điều kiện kinh doanh không phải là xấu, xã hội phát triển thì phải có các điều kiện để đảm bảo công bằng và chất lượng phát triển tốt hơn chứ không phải gây khó khăn. Nhưng điều kiện nào mang tính cấm đoán quyền của người dân trái luật thì phải hạn chế” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ - “Tôi thấy có tình trạng ban hành nhiều giấy phép con làm trái tinh thần này. Chính phủ vừa thành lập tổ thi hành Luật DN, từ năm 2016 sẽ có cuộc tổng rà soát để xem bao nhiêu điều kiện kinh doanh được ‘đẻ’ ra thêm để báo cáo với Chính phủ” .

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể là đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam ngang bằng ASEAN-4. Nói về chỉ tiêu này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn: Đây là mục tiêu tham vọng, tôi nghĩ nếu xét trên văn bản thì môi trường đầu tư kinh doanh có thể ngang bằng ASEAN-4, nhưng để triển khai thông thoáng và đạt được trong thực tế quả thật rất khó khăn. Đây là thách thức trong điều hành, nếu không có chấn chỉnh thì chắc chắn không đạt được.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:

Cần tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí phiền hà cho DN và người dân. Đồng thời quan tâm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm tăng tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, giảm thời gian, công sức cho Nhà nước, người dân và DN.

(Thủ tướng phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 29-12-2015)

 

Theo Lương Bằng

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên