MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần cải cách mạnh mẽ nông nghiệp

Chúng tôi ghi nhận ý kiến của ba nhân vật khá am hiểu lĩnh vực nông nghiệp, đất đai ở An Giang - nơi từng có những cách làm đột phá táo bạo trong nông nghiệp, sau đó được cả nước nhân rộng và áp dụng thành công.

* Ông Nguyễn Văn Hơn (nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên bí thư Tỉnh ủy An Giang):

Cải cách, gỡ khó 
cho dân

Ông Nguyễn Văn Hơn - Ảnh: Đ.Vịnh

Tôi rất mong muốn lần này Đảng thảo luận và làm được một cuộc cải cách mạnh mẽ trong nông nghiệp để gỡ khó cho dân. Thực tế khó khăn của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đang đòi hỏi Đảng ta cần làm cuộc cách mạng đổi mới trong nông nghiệp lần thứ hai.

Phải cải cách, đổi mới về cơ chế, chính sách để cởi mở cái khó giúp người dân làm ăn khấm khá lên, huy động được sức dân để nông thôn phát triển lên và chính họ được thụ hưởng từ sự phát triển này.

Muốn vậy nên giao quyền sở hữu đất đai, chứ chỉ có giao quyền sử dụng đất như hiện nay thì chưa khai thác được hết nguồn lực, giá trị của đất đai.

Tôi nghĩ nếu Đảng, Nhà nước mạnh dạn giao sở hữu đất đai cho tư nhân thì sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và nông thôn có cơ hội phát triển.

Điều đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành những trang trại lớn ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ nên việc khai thác, sử dụng đất sẽ hiệu quả đem lại giá trị cao hơn.

Cái gì vì lợi ích của người dân mà cũng đem lại lợi ích chung cho cả đất nước, cho dân tộc thì Đảng nên làm, nên thay đổi.

* Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh 
An Giang):

Dân sẽ an tâm đầu tư, mạnh dạn tích tụ

 

Ông Nguyễn Minh Nhị - Ảnh: Đ.Vịnh
Ông Nguyễn Minh Nhị - Ảnh: Đ.Vịnh
​Giao quyền sở hữu cho tư nhân sẽ làm cho người sử dụng đất an tâm đầu tư trên mảnh đất của họ, họ mạnh dạn tích tụ thêm đất phát triển thành trang trại lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật làm tăng năng suất, chất lượng và sản lượng nông sản.

Đồng thời cũng thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cho nông thôn, đầu tư vào nông nghiệp giúp việc chuyển đổi cơ cấu lao động thuận lợi. Từ đó vùng nông thôn mới có cơ may phát triển lên.

Thực trạng sản xuất ở VN là nhỏ lẻ, rời rạc, bởi diện tích canh tác từng nông hộ phần nhiều còn manh mún, nông sản khó cạnh tranh bởi không thể nâng cao chất lượng, giảm giá thành.

Muốn tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa lớn có lợi thế cạnh tranh, nhất là trong thời hội nhập, đặc biệt tới đây khi gia nhập TPP thì cần sản xuất theo mô hình trang trại lớn gắn với chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao và cơ giới hóa đồng bộ.

Đó là xu thế, là hướng đi tất yếu. Chẳng hạn với lúa nước nên có những trang trại quy mô 50-100ha, vùng nguyên liệu trồng bắp, đậu làm thức ăn chăn nuôi mỗi hộ phải từ trăm hecta... Do quy định hạn điền nên khó tích tụ đất để có thể hình thành quy mô sản xuất tập trung như thế.

Mặt khác, sản xuất theo quy mô hộ trang trại được quản lý tốt, điều hành linh động nên khi thực hiện chuỗi liên kết vẫn dễ dàng hợp tác với doanh nghiệp và sẽ đạt hiệu quả hơn so với các tổ hợp tác, các HTX. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được xem là hướng đi đúng cần nhân rộng, nhưng hiện nay phát triển còn hạn chế.

Một trong những cái khó là do diện tích canh tác từng nông hộ nhỏ, doanh nghiệp khó có thể đứng ra hợp đồng, tổ chức sản xuất với từng hộ nông dân. Nếu hình thành nhiều trang trại lớn, doanh nghiệp hợp tác với từng trang trại lớn sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn.

* GS Võ Tòng Xuân 
(hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ):

Tích tụ ruộng đất là 
xu thế của thời đại

 

GS Võ Tòng Xuân - Ảnh: H.T.Dũng
GS Võ Tòng Xuân - Ảnh: H.T.Dũng

Là một nhà khoa học nhiều năm lăn lộn với nông dân, nông nghiệp nước nhà, điều tôi mong muốn nhất là lần này Đảng phải có nhiều đổi mới từ chính sách, trong đó cần đổi mới mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nếu Đảng không mở cửa đổi mới thật sự mạnh mẽ thì nông nghiệp VN không phát triển, cứ thua kém các nước xung quanh ta mãi, nông dân không bao giờ giàu được.

Thực tế ai cũng biết nông sản của ta xuất khẩu nhất nhì thế giới về gạo, tôm, cao su, cà phê, hạt điều, tiêu... nhưng xem lại giá trị không bao nhiêu do hàm lượng chất xám còn thấp. Nông nghiệp mình phần lớn người dân nghe hô hào theo phong trào thì nhào vô làm, mà làm theo kinh nghiệm là chính.

Thực tế vừa qua có những mô hình phản ánh rất rõ câu chuyện nếu làm theo “cánh đồng mẫu lớn”, theo chuẩn VietGap, GlobalGap thì giá sản xuất 1kg lúa là 1.500-1.800 đồng, so với nông dân làm theo kiểu truyền thống 3.500-4.000 đồng/kg.

Nhưng cái khó hiện nay là nếu làm theo chiều hướng liên kết “4 nhà”, theo cái đã nêu trên thì nông dân phản đối vì như vậy thì họ không có tự do, bắt buộc nhiều thứ nên họ đứng ngoài cuộc.

Tuy nhiên, khi thấy hộ dân này làm theo kiểu liên kết, tham gia chương trình cánh đồng lớn có hiệu quả thì có nhiều nông dân khác cũng tham gia. Và đó là thực tế đang diễn ra và ngày càng phát triển.

Rõ ràng tích tụ ruộng đất tuy Nhà nước không chủ trương nhưng thực tế nông dân làm rồi, có ông 600ha, 700ha, có ông tới 1.000ha, nhưng cỡ 40-50ha thì rất nhiều. Cái này nông dân hiểu ngầm với nhau chứ việc này không chính thức.

Tích tụ ruộng đất là xu hướng, xu thế của thời đại. Lý do: giá lao động càng ngày càng đắt, người ta không muốn làm theo kiểu nhỏ lẻ nữa để bù đắp khoản này.

Thứ hai, nhiều người làm nhỏ lẻ thì chất lượng không đồng đều, trong khi tập trung lại làm lớn bằng cơ giới hóa thì mới có chất lượng đồng đều mà mình có thể quản lý được mọi khâu trong quy trình công nghệ cao.

Do đó phải thay đổi Luật đất đai, nên mạnh dạn chia đất đai thành ba nhóm công điền, tập thể và cá thể. Tức là người nông dân cá thể vẫn có bằng khoán đất của riêng mình, có quyền định đoạt chứ không có loại duy nhất là sở hữu toàn dân như hiện nay.

Tích tụ ruộng đất ở đây được hiểu là sản xuất nông nghiệp trên diện rộng, không phải là giao cho doanh nghiệp thì ông doanh nghiệp là chủ mà là gom mấy ông nông dân lại để doanh nghiệp kinh doanh.

Hay nói khác hơn, nếu chúng ta theo nghị quyết trung ương 26 về tam nông, những người nông dân này họ cũng sẽ có cổ phần trong công ty nông nghiệp. Như thế nông dân luôn có đời sống ổn định, vừa được lời trong cổ tức, còn lời thêm khi hàng hóa bán được giá, và một phần lời này cũng trở về cho nông dân.

Đồng thời Nhà nước cũng có lời vì doanh nghiệp làm tốt, đóng thuế nhiều chứ nông dân làm lắt nhắt đâu đóng thuế được bao nhiêu.

Theo H.Trí Dũng - Đ.Vịnh- C.Quốc ghi

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên