MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cần tiếp tục hạ lãi suất để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%”

Nhận định trên được TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính (Học viện tài chính) đưa ra tại buổi Hội thảo Diễn biến giá cả, thị tường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo diễn ra sáng 30/6 tại Hà Nội.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
66 bài viết

Cụ thể, TS Độ cho rằng, theo mục tiêu của Chính phủ, lãi suất cho vay trong năm 2015 phải giảm được từ 1 – 1,5%.

“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ mức 6,5% trở lên, một trong những điều kiện cần là phải giảm được lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay. Nếu không giảm lãi suất, nguy cơ đà phục hồi kinh tế bị chậm lại trong tương lai gần là không nhỏ” – TS Độ cho hay.

TS Độ dẫn chứng, lãi suất cho vay thực = lãi suất cho vay trung bình trên thị trường (8,5%) - lạm phát (1%) = 7,5%; cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Điều đó có nghĩa là đối với một doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động ở mức trung bình trên thị trường, lợi nhuận kiếm được từ các khoản vay thêm sẽ không đủ để trả nợ lãi suất và sớm hay muộn các doanh nghiệp này cũng sẽ thu hẹp quy mô sản xuất.

Với mức lãi suất cho vay thực cao như hiện nay sẽ cản trở doanh nghiệp đầu tư và mở rộng kinh doanh, đồng thời gây khó khăn cho các con nợ, trong đó có cả nợ xấu và nợ công. Theo tính toán, nếu lãi suất thực tăng thêm 1%, tỷ lệ đầu tư/GDP sẽ giảm khoảng 0,76% và ngược lại.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa sẵn sàng cho chính sách giảm lãi suất mà lý do quan trọng là để ổn định tỷ giá.

“Nhưng việc duy trì lãi suất cao có giữ được tỷ giá. Nếu có một cuộc tấn công tiền tệ, hay có một cuộc xáo trộn, NHNN có nâng lãi suất để ổn định tỷ giá? Khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng, chi phí của Chính phủ bị đẩy lên...” - TS. Độ phân tích.

Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì với lãi suất?

Theo TS. Độ, nếu nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và lạm phát cao, việc cho phép lãi suất tăng để ổn định tỷ giá là hợp lý. Khi NHNN bán USD, NHNN sẽ phải thu VND về. Động thái này sẽ khiến áp lực lên lãi suất gia tăng.

Nhưng trong trường hợp nền kinh tế đang phục hồi chậm và lạm phát thấp, việc cho phép lãi suất tăng để ổn định tỷ giá sẽ khiến nền kinh tế phải chịu những chi phí rất lớn. Lãi suất tăng sẽ khiến đầu tư giảm, đà phục hồi kinh tế bị chậm lại, tình trạng giảm phát có thể xảy ra, khả năng giảm nợ xấu sẽ bị thu hẹp.

Ngay cả mục tiêu ổn định tỷ giá để khống chế không cho nợ công vượt mức trần 65% GDP cũng gặp thách thức, bởi mặc dù nợ công không tăng do tỷ giá, nhưng nợ công lại tăng do tăng trưởng GDP và lạm phát thấp khiến thu ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng tiêu cực, đồng thời lãi suất cao cũng sẽ khiến chi phí vay nợ đối với việc phát hành trái phiếu chính phủ gia tăng (lãi suất huy động trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm đã tăng từ mức 5,4% hồi tháng 4/2015 lên mức 6,4% hiện nay).

Trước tình hình này, NHNN có 2 lựa chọn:

Lựa chọn thứ nhất, để tỷ giá tăng. Tuy nhiên, giải pháp này khó khả thi, bởi nó đồng nghĩa với việc NHNN phá bỏ cam kết và dẫn tới mất lòng tin trên thị trường. Khi NHNN lùi, thị trường sẽ tiến.

Lựa chọn thứ hai, sau khi bán USD, NHNN sẽ bơm VND ra thị trường thông qua các kênh khác để hạ lãi suất. Tuy nhiên, khi bơm thêm tiền vào nền kinh tế, thị trường có thể sử dụng chính số tiền này để mua USD.

TS. Độ cho rằng, những biến động về tỷ giá trong thời gian qua không hẳn xuất phát từ viêc lãi suất huy động hiện ở mức thấp, mà chủ yếu xuất phát từ các dòng tiền đầu cơ, khi các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu kém hấp dẫn.

Trong vài năm qua, các thị trường đầu cơ nói trên đều lần lượt bị siết lại bởi các quy định của Ngân hàng Nhà nước, gần đây nhất là Thông tư 36.

“Về mặt dài hạn, việc thu hẹp các dòng tiền đầu cơ để ổn định hệ thống tài chính, hướng dòng vốn vào khu vực sản xuất là một mục tiêu đúng đắn. Tuy nhiên, việc áp dụng trong ngắn hạn cần được thực hiện từng bước tùy thuộc vào hoàn cảnh” – TS. Độ cho biết.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên