MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảng hàng không Quảng Ninh sẽ được đầu tư theo hình thức BOT

Dự án này nằm trong quy hoạch tổng thể các sân bay của cả nước. Tuy nhiên, nếu đầu tư bằng ngân sách thì chưa thể đầu tư được. Do đó nếu đầu tư được theo hình thức xã hội hóa thì người dân sẽ được hưởng lợi ích sớm hơn từ Dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã cho biết như vậy khi chủ trì cuộc họp thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng hàng không Quảng Ninh sáng 2/7.

Theo báo cáo thẩm định Dự án, Cảng hàng không Quảng Ninh được xác định là công trình quan trọng chiến lược trong các quy hoạch chủ yếu của tỉnh Quảng Ninh như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh; Quy hoạch phát triển du lịch; Quy hoạch môi trường; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và đã được tỉnh Quảng Ninh công bố ngày 13/9/2014.

Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh được triển khai phù hợp với chủ trương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn quốc cũng như quy hoạch vùng; phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải nói chung và giao thông vận tải hàng không nói riêng.

Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Vân Đồn nói riêng mà còn đảm bảo vững chắc an ninh - quốc phòng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Do vậy, việc đầu tư Cảng hàng không Quảng Ninh là rất cần thiết.

Dự án Cảng hàng không theo hình thức BOT là thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng và theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để huy động được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế.

Về quy mô Dự án: Cấp sân bay Cảng hàng không cấp 4E (theo mã chuẩn của ICAO); Cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế. Quy hoạch khu bay bao gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, hệ thống sân đỗ máy bay.

Địa điểm thực hiện dự án phù hợp với địa điểm đã được phê duyệt quy hoạch cảng hàng không theo Quyết định số 576/QĐ-BGTVT ngày 16/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh, Quảng Ninh nằm trong vùng tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Do vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển khu tam giác kinh tế này là rất cần thiết.

Trong nhưng năm gần đây, việc đầu tư của Trung ương và cả địa phương là rất mạnh như nâng cấp QL18, xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nâng cấp sân bay Cát Bi, hình thành Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế tổng hợp của Quảng Ninh và cả nước…

Để đáp ứng hạ tầng đi trước một bước theo Nghị quyết 13, không những Quảng Ninh mà các địa phương khác đều phải phát triển mạnh hạ tầng. Việc đầu tư sân bay Quảng Ninh cũng không nằm ngoài mục đích đó.

“Tuy nhiên, nếu đầu tư bằng ngân sách thì chưa thể đầu tư được. Trong khi đó, Dự án này nằm trong quy hoạch tổng thể các sân bay của cả nước, do đó nếu đầu tư được theo hình thức xã hội hóa thì người dân sẽ được hưởng lợi ích sớm hơn từ Dự án. Việc đầu tư sân bay này không chỉ đem lại lợi thế cho Quảng Ninh mà còn cho cả quốc gia” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng có chỉ đạo cụ thể các vấn đề về chi phí, tổng mức đầu tư, giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường, vấn đề giao thông kết nối… của Dự án.

Được biết, Dự án cảng hàng không Quảng Ninh được xây dựng trên diện tích đất khoảng 290ha thuộc địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (cách thành phố Hạ Long chừng 50km) với quy mô một đường cất hạ cánh, sân bay đỗ máy bay cho tối thiểu 4 chiếc Boeing 777 lẫn Airbus 321. Tổng mức đầu tư xây dựng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) lên tới 7.500 tỷ đồng.

Theo M.L

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên