MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm cổ phần hóa DNNN: “Mổ xẻ” trách nhiệm người đứng đầu

Mặc dù, Chính phủ đã đưa ra những thông điệp rất mạnh mẽ như sẽ cắt chức người đứng đầu DN chần chừ CPH (CPH) hay đây là “con đường duy nhất” để DNNN làm đúng vai trò… tuy nhiên, kế hoạch CPH 432 DNNN năm 2014 – 2015 của chính phủ vẫn bị “lỗi hẹn”.

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, trình bày về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 – 2015, Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo dự kiến năm nay chỉ cổ phần hóa (CPH) được 200/289 DNNN.

Hầu hết các chuyên gia dều khẳng định: Việc CPH nhanh hay chậm là do vai trò, quyết tâm của người đứng đầu Bộ, ngành, DN. Và với việc không hoàn thành mục tiêu CPH trong năm nay, dư luận đặc biệt quan tâm và chờ đợi việc cơ quan chức năng sẽ xử lý và công khai thông tin xử lý trách nhiệm người đứng đầu DNNN chậm CPH như thế nào?

Lý do khách quan hay người đứng đầu DN sợ “mất ghế”

Đã có rất nhiều lý do đã được các lãnh đạo DNNN biện minh cho sự chậm chễ CPH của DN như thị trường chứng khoán đi xuống, không tìm được nhà đầu tư, lo ngại cắt giảm quá nhiều lao động… Tuy nhiêu, ông Đặng Quyết Tiến – Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định, nguyên nhân chính khiến tiến độ CPH các DNNN chậm trễ chưa quyết liệt là do người đứng đầu DN sợ mất ghế, mất quyền. Tiếp đến là nỗi lo bị phát giác những sai sót, yếu kém khi công khai thông tin DN trong quá trình CPH.

Theo ông Tiến, thiếu minh bạch thông tin là một nguyên nhân cơ bản khiến DN khó thu hút được nhà đầu tư tiềm năng. Các nhà đầu tư thường e ngại khi các thông tin liên quan đến hoạt động, đến tài chính DN không công khai, không trung thực.

Trong báo cáo nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra, hiện chỉ có khoảng 8% DNNN cung cấp báo cáo tài chính trên Website cuaủa DN. Thực tế, việc triển khai CPH của DN một số Bộ đã chứng minh các lý do chần chừ CPH chỉ mang tính ngụy biện. Sự quyết liệt của người đứng đầu bộ ngành là yếu tố quyết định hàng đầu khi triển khai CPH.

Với những điều hành cứng rắn cần thiết của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, từ nhiều năm nay, Bộ GTVT luôn được ghi nhận là bộ dẫn đầu về thực hiện CPH. Người khởi xướng việc cắt chức người đứng đầu DN chậm chễ CPH cũng chính là vị Bộ trưởng này. Bên cạnh việc CPH các đơn vị được cho là “xương xẩu” như TCty Hàng hải Việt Nam, Bệnh viện Giao thông – Vận tải…

Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương CPH 16 đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2015. Các đơn vị công lập bao gồm: 10 trường học, 2 bệnh viện và 4 trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. Bộ GTVT cũng đang hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn thành việc CPH tất cả các DN thuộc diện nhà nước không nắm giữ 100% vốn trong năm 2015.

Cùng với Bộ GTVT, Bộ NN-PTNT cũng là đơn vị không những hoàn thành đúng kế hoạch Chính phủ giao mà còn vượt 2 TCty. Đó là TCty Lâm nghiệp và TCty Lương thực miền Nam.

Mặc dù, trước đó Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đã phải chia sẻ về tiến trình CPH của Bộ này còn nhiều vướng mắc, khó khăn, như “nhà nghèo” khó “gả chồng”. Ví dụ như việc chào bán cổ phần ra công chúng trong hoàn cảnh cụ thể ở một số DN rất khó khăn. Các DN nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi IPO cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược.

Trong khi đó, Bộ Công thương – với nhiệm vụ trong năm 2015 phải cổ phần hóa 3 TCty: TCT máy thực vật và nông nghiệp, TCty máy & thiết bị công nghiệp và IPO TCT giấy Việt Nam; ngoài ra, Bộ phải phê duyệt phương án cổ phần hóa của 27 DN khác thuộc các tập đoàn, TCT, tuy nhiên, tiến độ CPH các DN này vẫn “dậm chân tại chỗ”…

Bộ Công thương hiện là cơ quan đại diện vốn nhà nước tại 5 tập đoàn, 5 TCty và 4 Cty TNHH một thành viên, chưa kể đại diện phần vốn nhà nước tại nhiều Cty cổ phần rất lớn khác. Tuy số lượng DN mà Bộ này đại diện vốn không nhiều nhưng quy mô và tính chất quan trọng của các tập đoàn, TCty này trong nền kinh tế rất lớn; ví dụ như Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than-khoáng sản (TKV)… Mỗi tập đoàn lại có hàng chục TCty, Cty con với quy mô cũng rất lớn.

Nếu vẫn giữ tốc độ như trên thì kế hoạch cổ phần hóa năm 2015 của bộ chắc chắn không hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Lo cả chất lượng

Rõ ràng, về mặt thời gian, kế hoạch CPH giai đoạn 2014 – 2015 của Chính phủ đề ra đã thực hiện chậm tiến độ, nhưng điều mà nhiều người lo ngại hơn cả là chất lượng DN sau cổ phần hóa.

Theo TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chất lượng CPH thời gian qua vẫn chưa đạt yêu cầu. Khi chuyển sang Cty cổ phần, nhiều DN đã có thay đổi nhất định về quản trị nhưng chưa phải là thay đổi căn bản. Và theo quan điểm của ông Cung, mục tiêu hàng đầu của CPH là phải đa sỡ hữu, phải tư nhân hóa – chưa đạt được.

Mục tiêu hàng đầu của CPH là phải đa sỡ hữu, phải tư nhân hóa – chưa đạt được.

Thực tế hiện nay, DNNN vẫn đang đầu tư và hoạt động trong hầu khắp các ngành, nghề của nền kinh tế. Phần lớn các DN đều kinh doanh vì lợi nhuận, hoạt động trong các ngành, nghề trực tiếp cạnh tranh với khu vực tư nhân, chỉ một số ít các DN là công ích, hoặc hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Ông Cung cho rằng, mục đích, vai trò và sứ mệnh của DNNN trong nền kinh tế cũng chưa thật rõ ràng. Theo đó, DNNN vẫn được coi là lực lượng nòng cốt của kinh tế, như vậy là không phù hợp, thậm chí trái với yêu cầu cơ bản của thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.

Tại buổi thảo luận ở tổ của kỳ họp Quốc hội mấy ngày vừa qua, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã đưa ra rất nhiều băn khoăn về tình hình phát triển của DN tư nhân. Theo Bộ trưởng Vinh, trong khi nước nào cũng cần nền tảng công nghiệp, nhất là cơ khí chế tạo, thì DN chúng ta còn rất yếu, quy mô nhỏ, đầu tư sản xuất ít, phần lớn làm dịch vụ, mua bán, ăn xổi, kinh doanh chộp giật. Nền tảng sản xuất chính ở Việt Nam như công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo thì rất ít.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐB TP HCM, thu hút nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh những mặt được, chúng ta cần đề phòng nhiều rủi ro. Có những nhà đầu tư nước ngoài vào chỉ để lướt sóng, được giá là họ bán tháo cổ phần, họ cũng có thể thao túng làm giá gây khó khăn cho sản xuất trong nước như thức ăn cho gia súc, thủy sản thời gian vừa qua…

Vì vậy, muốn phát triển bền vững, chúng ta phải dựa vào chính những DN tư nhân trong nước. Theo ĐB Ngân, nỗi lo lớn nhất của DN tư nhân hiện nay là đầu tư đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động. Trong chiến lược phát triển DN những năm tới, nhà nước cần đặc biệt chú trọng vấn đề này. DN cần được tạo nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ để đổi mới công nghệ. “Tại sao chúng ta có gói 30.000 tỷ để hỗ trợ thị trường bất động sản mà không có những gói tương tự cho đổi mới công nghệ cho DN” – ĐB Ngân băn khoăn.

Ông Đặng Quyết Tiến– Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính:

CPH phải đáp ứng yêu cầu thay đổi bản chất và quản trị DN

Thủ tướng Chính phủ đã rất kiên quyết chỉ đạo các bộ, ngành phải xử lý rốt ráo. Và thực tế cho thấy, bộ, ngành nào kiên quyết xử lý vấn đề con người, thì tốc độ cổ phần hóa được đẩy mạnh, như Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ NN-PTNT.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục CPH các tập đoàn, TCty lớn có ảnh hưởng tới nền kinh tế, nắm nguồn lực quốc gia. Do đó, sẽ phải tính toán thận trọng, CPH phải đáp ứng được yêu cầu thay đổi bản chất, quản trị DN. Hiện tại, Chính phủ cũng đã có giải pháp bán vốn theo lô.

Theo đó, các nhà đầu tư đủ năng lực vốn, trình độ quản trị và cam kết ở lại lâu dài DN thì hoàn toàn có thể mua theo lô. Thậm chí, Nhà nước có thể bán hết phần vốn ở lĩnh vực không cần nắm giữ cho các nhà đầu tư. Với những DN lớn có tiến độ cổ phần hóa còn chậm, cơ quan chức năng sẽ đẩy nhanh, sửa đổi những giải pháp về tài chính, xử lý nợ để đảm bảo tiến độ thực hiện.

Ông Sandeep Mahajan – Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam:

Không nên quá cứng nhắc về kế hoạch

CPH chậm nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư khá thờ ơ với cổ phiếu của các DN CPH, đặc biệt là cổ phiếu thiểu số tại DNNN. Hơn nữa, các yêu cầu thủ tục cho quá trình cổ phần hóa DNNN quá phức tạp. Số lượng các cổ phiếu dành cho nhà đầu tư tư nhân thường được đánh giá là quá thấp để thu hút đầu tư chiến lược (chỉ có 5-20% cổ phiếu được chào bán ra thị trường).

Một nguyên nhân khiến cổ phiếu của các DNNN “ế” là hiện nay rất ít các DNNN thực hiện công khai báo cáo tài chính và thông tin theo các chuẩn mực quy định của Nghị định 61. Khó khăn tồn tại trong việc tách bạch chức năng của Nhà nước khi nắm vai trò là người sở hữu và điều tiết thị trường. Với một số lĩnh vực, các DN FDI không phải lúc nào cũng được tham gia trực tiếp vào thủ tục đấu thầu.

Kế hoạch CPH, thoái vốn nhà nước không nên quá cứng nhắc với các hạn định cụ thể. Quan trọng vẫn là chất lượng của các đợt thoái vốn, cổ phần hóa, chứ không phải đến ngày này thì làm được bao nhiêu.

Chính vì vậy, đi cùng với nỗ lực đẩy nhanh CPH DNNN, thoái vốn nhà nước, thì cần thực hiện tốt các công cụ bổ trợ như công khai thông tin, giám sát thực hiện, cải thiện quản trị DNNN. Ngay cả việc lựa chọn người đại diện chủ sở hữu nhà nước trong DN cũng phải công khai và thể hiện rõ trách nhiệm giải trình.

 

Theo Bá Tú

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên