MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chặng đường dài phía trước

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những thỏa thuận thương mại đa phương lớn nhất thế giới, đã được 12 nước thành viên ký kết hôm 4/2 tại New Zealand, nhưng vẫn còn cần vài năm khó nhọc nữa mới có thể đi vào thực tế.

Thỏa thuận sẽ chiếm 40% nền kinh tế thế giới đã trải qua 5 năm đàm phán trước khi bước sang giai đoạn ký kết. Ký kết là “giai đoạn quan trọng” nhưng TPP “vẫn chỉ là một tập tài liệu 16.000 trang cho đến khi nó có hiệu lực”, Thủ tướng New Zealand John Key phát biểu tại lễ ký kết tại thành phố Auckland.

TPP sẽ phải trải qua giai đoạn 2 năm phê chuẩn mà trong đó ít nhất 6 nước - chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 12 quốc gia thành viên - phải phê chuẩn văn bản cuối cùng để hiệp định được đưa vào giai đoạn triển khai. 12 nước thành viên gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Với quy mô kinh tế lớn, cả Mỹ và Nhật Bản đều phải phê chuẩn TPP nhằm đặt ra tiêu chuẩn chung cho hàng loạt vấn đề, từ quyền lợi của công nhân đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở 12 quốc gia Thái Bình Dương.

Theo giới quan sát, sự phản đối của nhiều đảng viên Dân chủ và một số người thuộc phe Cộng hòa cho thấy TPP sẽ khó được phê chuẩn trước khi Tổng thống Barack Obama, người luôn nỗ lực thúc đẩy TPP, rời nhiệm sở.

Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman khẳng định, chính quyền Mỹ đang làm mọi việc trong quyền hạn để thúc đẩy TPP. Hôm 3/2, ông Froman nói với báo giới rằng, ông tự tin thỏa thuận này sẽ nhận được sự ủng hộ cần thiết từ Quốc hội Mỹ, CNN đưa tin.

Tại Nhật Bản, việc Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari, nhà đàm phán TPP chính của Nhật, mới đây từ chức có thể khiến thỏa thuận này khó được phê chuẩn hơn. TPP cũng vấp phải sự phản đối từ một số người dân ở không ít nước thành viên.

Những người không ủng hộ cho rằng, hiệp định này có thể khiến thuốc men trở nên đắt đỏ, và TPP sẽ gây ra vấn đề lớn với điều khoản cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện nếu họ thấy lợi nhuận của họ bị giảm bởi một luật hay chính phủ của nước thành viên mà họ đang làm ăn.

Tại New Zealand, hơn 1.000 người biểu tình phản đối TPP hôm 3/2 khiến giao thông tắc nghẽn ở trong và ngoài Auckland; nhiều cảnh sát đã phải xuống đường làm nhiệm vụ.

Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz dự báo sẽ có “sự thảo luận dân chủ sôi nổi về TPP” ở quốc gia Nam Mỹ này. Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb nói rằng, thỏa thuận này sẽ được đặt lên bàn nghị viện vào tuần tới. Sự phản đối TPP ở Úc đang tăng lên, nhưng ông tin rằng, hiệp định này sẽ được phê chuẩn.

Bộ trưởng Thương mại Canada Chrystia Freeland nói: “Ký kết TPP không tương đồng với phê chuẩn”. Bà Freeland nhấn mạnh, Canada cam kết sẽ tổ chức tham vấn rộng rãi về TPP trong chiến dịch bầu cử, AP đưa tin.

Theo Trúc Quỳnh (tổng hợp)

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên