MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chánh án TAND Tối cao nói về án treo cho tội phạm tham nhũng

Thảo luận về tình hình tội phạm năm 2012 (trong hai ngày 1- 2/11), nhiều đại biểu kiến nghị bỏ án treo cho tội phạm tham nhũng, nhưng Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng chưa thể bỏ hẳn.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết tỷ lệ án treo về tham nhũng có chiều hướng giảm, năm 2010 có 208 bị cáo được hưởng án treo (chiếm 36,5% tổng số án treo), năm 2011 là 37,1% nhưng năm 2012 chỉ còn 30,2%.

“Quan trọng là áp dụng án treo có đúng hay không. Riêng đối với tội phạm tham nhũng cũng không thể nói là không cho hưởng án treo nhưng có thể nghiên cứu để sửa luật, áp dụng những điều kiện đặc biệt khắt khe hơn. Chế định án treo là chế định tiến bộ mà các nước đều áp dụng nên ta không thể nói là bỏ án treo được”, Chánh án Trương Hòa Bình trình bày.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng các kiến nghị của đại biểu Quốc hội về xử lý tội phạm tham nhũng cũng là những gợi mở cho cơ quan chức năng sửa đổi hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Không cần chứng minh hành vi phạm tội

Vẫn trên tinh thần sửa đổi pháp luật hình sự,ông Nguyễn Hòa Bình kiến nghị đối với một số loại tội phạm, cơ quan tố tụng không cần phải chứng minh hành vi phạm tội mà vẫn quy kết được tội.

Ông Nguyễn Hòa Bình nêu ví dụ:“đấu tranh với tội phạm công nghệ cao thì chúng ta đang có những quy định “bó tay” cơ quan tiến hành tố tụng và đặt các cơ quan thi hành tố tụng nghĩa vụ chứng minh mà trong nhiều trường hợp không thể chứng minh được. Ví dụ như tội phạm mạng chui vào tài khoản của các cá nhân ở khắp nơi trên thế giới sau đó lấy một khoản tiền lớn, nhưng yêu cầu phải chứng minh hậu quả, phải chứng minh được nạn nhân ở đâu đó (Anh, Pháp, Mỹ), điều này là không thể làm được”.

Đối với tội phạm môi trường, tội phạm về an toàn thực phẩm, pháp luật yêu cầu khi vi phạm phải gây ra một hậu quả,chẳng hạn như chết người. Cách đây vài năm nổi lên vụ bánh phở có formol thì yêu cầu phải chứng minh người ăn loại phở này bị tổn hại là không thể chứng minh được.

Để phòng, chống các loại tội phạm này, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết nhiều nước không cần đặt ra nghĩa vụ chứng minh hậu quả cho các cơ quan tố tụng, mà cứ sử dụng chất, thực phẩm đã bị cấm là phạm tội.

“Mạng của Chính phủ, mạng của quân đội, mạng của công an mà cố tình “chui” vào, không cần phải lấy được cái gì ở trong đấy đã là phạm tội”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Theo Thành Chung

Chinhphu.vn

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên