MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Chart] Dự báo các ngành sản xuất công nghiệp cuối năm 2015

Bộ Công Thương dự báo sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra của năm 2015.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng tới tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố sau: các DN trong nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất; giá xăng dầu tăng/giảm hợp lý theo sát diễn biến giá cả thế giới; thời tiết nắng nóng tạo thuận lợi cho một số ngành sản xuất công nghiệp như: Bia, nước giải khát, đồ điện tử, điện lạnh, vật liệu xây dựng… phát triển mạnh.

Các nhóm hàng dệt may, da giày, linh kiện điện tử có đơn hàng ổn định, nhu cầu khách hàng vẫn tăng…; Doanh nghiệp đã duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường…

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận định còn những khó khăn mà DN phải đối mặt như: kinh tế thế giới tuy có cải thiện nhưng chưa bền vững, căng thẳng chính trị ở một số khu vực chưa được giải quyết dứt điểm, diễn biến giá dầu khó dự đoán, thời tiết nắng nóng, thiên tai, dịch bệnh… là những yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp.

Ngành điện: Điện sản xuất và mua năm 2015 dự kiến đạt 158,5 tỷ kWh, tăng 10,61%. Mục tiêu giảm tổn thất điện năng toàn ngành là 8,0%; sản lượng điện tiết kiệm bằng 2,0% tổng điện thương phẩm cả năm.

Ngành Dầu khí: Sản lượng khai thác dầu thô năm 2015 dự kiến đạt 17,58 triệu tấn, tăng 4,6% so với kế hoạch năm và tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Ngành Than: sản lượng than sạch năm 2015 là 41,4 triệu tấn, tăng 0,4% so với năm 2014. Trong đó, sản lượng than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam là 33,7 triệu tấn, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm.

Ngành thép: Dự kiến cả năm ngành thép có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra, sản lượng thép thô đạt 3.750 nghìn tấn; tăng 24,75% so với cùng kỳ năm.

Ngành cơ khí: Các DN ngành cơ khí gặp khó khăn chung do sức mua chững lại, thị trường xuất khẩu giảm, DN hoạt động cầm chừng, sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập ngoại. Tuy nhiên, dự kiến trong năm nay thị trường các sản phẩm máy nông nghiệp, công cụ, các loại động cơ, máy biến thế sẽ tăng cao hơn so với năm trước.

Ngành phân bón: sản xuất phân bón các loại có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng của người dân. Hiện các DN ngành đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư ra thị trường nước ngoài, khai thác các cơ hội thị trường nông thôn của các quốc gia trong khu vực

Ngành xuất khẩu dệt may và gia dày đang được đánh giá là có nhiều lợi thế từ việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Đây là những ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu khá, nhiều DN hiện đã có đơn hàng xuất khẩu ổn định và đang chuẩn bị cho mùa sản xuất mới.

Ngoài ra, một số ngành được dự báo có mức tăng trưởng khá, song cũng chịu sức ép cạnh tranh gay gắt. Trong đó: ngành giấy đang chịu áp lực cạnh tranh từ ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc do thuế về 0%, trong khi ngành chưa đáp ứng đủ nhu cầu; Ngành bia - rượu, nước giải khát dự kiến hoàn thành kế hoạch năm 2015 do cuối năm là mùa tiêu thụ.

 

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên