MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Có hay không tình trạng tham nhũng chính sách?

Nếu nói lợi ích nhóm/tham nhũng pháp luật từ văn bản pháp luật là được kiểm soát nhưng không loại trừ những quy định có những sơ hở. Tôi nghĩ rằng trên thực tế là có thể có.

Sáng nay, ngày 20/08/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường đang trả lời chất vấn trực tuyến về: Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ; thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành thời gian từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến ngày 31/7/2013.

Đây là phiên trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 20 Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội khóa XIII.

Tại phiên chất vấn này, đại biểu Quốc hội –  Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng đặt vấn đề có hay không tình trạng tham nhũng pháp luật, tham nhũng chính sách? Bởi cử tri cho rằng tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tham nhũng pháp luật và tham nhũng chính sách. Do trên thực tiễn có nhiều văn bản của các bộ ngành mâu thuẫn, đá nhau để bảo vệ lợi ích quyền lợi, lợi ích của bộ mình. Nếu có tình trạng tham nhũng chính sách, tham nhũng pháp luật, Bộ trưởng có giải pháp để ngăn chặn tình trạng này?

Bên cạnh đó Đại biểu - Chu Sơn Hà, đoàn Hà Nội đề nghị Bộ trưởng có biện pháp gì ngăn chặn việc xây dựng luật phục vụ lợi ích nhóm trong thời gian tới?

 Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Về nội dung có lợi ích nhóm hay không; tạo ra tham nhũng trong văn bản quy phạm pháp luật hay không, tôi xin mạnh dạn báo cáo:

Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chúng ta đều biết – rất đầy đủ, chặt chẽ, kiểm soát qua nhiều tầng lớp, chỉ trừ mỗi thông tư, và thông tư liên tịch của các Bộ, các ngành hiện chưa có sự kiểm soát có tổ chức. Nguyên nhân là do quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tới đây, có lẽ chúng tôi sẽ nghiên cứu để đề nghị với Quốc hội khâu này.

Từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến Nghị định của Chính phủ, pháp lệnh, lệnh có quy trình rất chặt chẽ. Vấn đề là có thể (Bộ Tư pháp – PV) không phát hiện được, có những vấn đề rất khó.

Ví dụ như vấn đề Đại biểu Quốc hội đã nói rất nhiều về nghị định kinh doanh vàng, nghị định kinh doanh xăng dầu…. Với những câu chuyện này, chúng ta thấy vấn đề là rất rõ, chủ trương tiến tới thị trường đã rõ, nhưng lộ trình như thế nào, bước đi thế nào để bảo đảm được, thực hiện được mục tiêu cao nhất Quốc hội đưa ra là ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chống lạm phát trong những năm qua.

Vì vậy, nếu nói lợi ích nhóm/tham nhũng pháp luật từ văn bản pháp luật là được kiểm soát, nhưng không loại trừ những quy định có những sơ hở. "Tôi nghĩ rằng trên thực tế có thể có."

Cũng liên quan đến nội dung trên, đại biểu Trần Xuân Vinh – đoàn Quảng Nam muốn Bộ trưởng làm rõ có hay không tình trạng nhiều đơn vị doanh nghiệp tranh thủ các bộ ngành liên quan để có được cơ chế chính sách riêng cho đơn vị/doanh nghiệp của mình mà các cơ chế chính sách này không phù hợp với quy định của pháp luật làm thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng: Lobby chính sách (vận động hành lang chính sách – PV) ở các nước khá phổ biến, ở Việt Nam lại hạn hữu và khó. Trên thực tế, nhiều ý kiến nhận định có hiện tượng lobby chính sách trong điều hành giá cả tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng để kết luận có lobby hay không là chưa thể/chưa “dám”. Bởi, điều hành giá cả liên quan đến điều hành không thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.


Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên