MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu đẩy mạnh xuất khẩu hàng nội thất vào thị trường Việt Nam

Để tận dụng các cơ hội kinh doanh, đầu tư, nhiều doanh nghiệp EU tăng cường khảo sát, tìm hiểu thị trường và gặp gỡ các đối tác kinh doanh tại Việt Nam.

Chương trình xúc tiến thương mại “Lifestyle Tradde Mission to Vietnam 2015,” do Mạng lưới kết nối doanh nghiệp châu Âu-Việt Nam (EVBN) và Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/10, đã thu hút sự tham gia của các công ty đến từ 6 quốc gia châu Âu gồm Bỉ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh.​

Ông David Holkinson, giám đốc Công ty thiết kế Noor cho biết, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quan hệ hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và EU.​

Vì vậy, để tận dụng các cơ hội kinh doanh, đầu tư, nhiều doanh nghiệp EU tăng cường khảo sát, tìm hiểu thị trường và gặp gỡ các đối tác kinh doanh tại Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam có hơn 90 triệu dân nên trở thành một trong những thị trường tiềm năng lớn cho ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất, nhất là các mặt hàng nội thất cao cấp.

Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức tiêu thụ hàng nội thất cao cấp tại Việt Nam đang tăng cao trong những năm gần đây; trong đó, các mặt hàng xuất xứ từ châu Âu rất được ưa chuộng.

Cụ thể, trong tổng số hàng hóa nội thất nhập khẩu vào Việt Nam, sản phẩm nội thất nhập khẩu từ các nước châu Âu luôn chiếm vị trí dẫn đầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp châu Âu có thế mạnh và truyền thống lâu đời trong lĩnh vực thiết kế nội thất, sản phẩm nội thất của họ luôn dẫn đầu thị trường toàn cầu về mẫu mã lẫn chất lượng.

Thông qua Chương trình xúc tiến thương mại “Lifestyle Tradde Mission to Vietnam 2015,” bà Delphine Rousselet, giám đốc Dự án tại EVBN, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh gia tăng giá trị sản phẩm khi thâm nhập thị trường châu Âu, hạn chế tình trạng chủ yếu gia công.

Vì nếu chỉ tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng ở khâu gia công, dựa vào giá nhân công rẻ sẽ không phát triển bền vững và khó nâng cao được năng lực cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ mất khách hàng, đơn hàng và thị trường.

Song song đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ động và tích cực trong khâu thiết kế sản phẩm và xây dựng thương hiệu riêng của mình hoặc của địa phương, quốc gia để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Dự kiến, từ 27-30/10, chương trình sẽ kết nối hơn 100 cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp Việt Nam và EU tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội./.

Theo MỸ PHƯƠNG

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên