MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ một SCIC là chưa đủ!

Trong tham luận trình bày tại Báo cáo kinh tế Vĩ mô 2013: Thách thức còn ở phía trước, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng cần tổ chức nhiều công ty quản lý vốn theo mô hình của SCIC.

Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhiều khi được ví von như những đứa con nuôi mãi không chịu lớn, cứ liên tục cần sự hỗ trợ từ "mẹ" là Nhà nước, mà cụ thể là ngân sách Nhà nước.

Trong tham luận Báo cáo kinh tế vĩ mô 2013, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng nợ xấu tại khu vực DNNN rất khó giải quyết vì tài sản và cổ phần của Nhà nước không dễ dàng được bán lại theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy giảm. 

Các hình thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ khoanh nợ (ví dụ khoanh nợ cho Vinashin tại các Ngân hàng thương mại), hình thức chuyển nợ (như của Vinashin cho Vinalines và PVN) có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và gánh nặng rốt cục lại đè lên vai Nhà nước. Hình thức bổ sung vốn (ví dụ tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỷ đồng lên trên 14,6 nghìn tỷ đồng), thì đó vẫn là tiền từ ngân sách Nhà nước.

Khoản vay 45 triệu USD từ Ngân hàng ANZ cho dự án Xi măng Đồng Bành do Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA) hay Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) đầu tư cũng được Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh khi dự án này rơi vào tình trạng thua lỗ không trả được nợ.

Không thiếu những ví dụ về gánh nặng tại các DNNN được nhanh chóng trút sang Nhà nước như vậy. 

Trước tình hình này, ông Đinh Tuấn Minh đề ra những khuyến nghị tương đối quen thuộc, bao gồm: Cắt giảm dần các mức thuế và cắt giảm chi tiêu thường xuyên bất hợp lý, lãng phí. Về chính sách cho thị trường tài chính, chuyên gia này nhấn mạnh việc cần xây dựng một thị trường tài chính hiện đại và hiệu quả hơn nữa. Đây là khâu then chốt để tránh tình trạng dồn đọng tiền vốn ở một khu vực nào đó của nền kinh tế trong khi những khu vực khác lại khát vốn. 

Biện pháp căn cơ, trực tiếp nhất được đưa ra là cần giảm cả về số lượng lẫn tỷ trọng DNNN trong nền kinh tế bằng cách cổ phần hóa, giải thể, sáp nhập...

Ý kiến khác biệt mà ông Đinh Tuấn Minh đưa ra là trong giai đoạn còn nhiều DNNN như hiện nay có thể Nhà nước sẽ cần vài công ty theo mô hình SCIC thay vì chỉ một công ty quản lý vốn nhà nước nếu như năng lực của công ty quản lý vốn hiện tại chưa đủ. Cụ thể, mỗi công ty quản lý vốn sẽ phụ trách một lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ công nào đó. 

Các công ty quản lý vốn nên được đặt dưới sự quản lý tạm thời của một Ủy ban cải cách DNNN (sẽ giải tán khi các công ty quản lý vốn được sáp nhập lại với nhau sau quá trình quản lý vốn riêng rẽ từng lĩnh vực).

Minh Thư

thunm

Báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên