MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 dự báo sẽ tăng nhẹ

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giá hàng hóa thế giới biến động nhẹ, cộng với nhu cầu trong nước tăng do nắng nóng, độ trễ của lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu hôm 20/5 sẽ là các yếu tố tác động gây sức ép tăng giá trên thị trường.

Nhận định về diễn biễn giá cả thị trường của tháng 6/2015, Cục Quản lý giá cho biết, sẽ có một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá trong tháng 6. Cụ thể, dự báo giá một số hàng hóa nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới có khả năng biến động nhẹ, cùng với ảnh hưởng của tỷ giá tăng (từ 7/5/2015) có thể tác động gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước, nhất là giá các mặt hàng nhập khẩu.

Trong nước, thời tiết tiếp tục nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng đối với một số mặt hàng (may mặc, giày dép, đồ uống và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè; nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt; nhu cầu giải trí, du lịch…) có khả năng tăng, gây sức ép tăng giá. Ngoài ra việc tăng giá xăng ngày 20/5/2015 cũng sẽ tác động đến chỉ số giá (CPI) của tháng 6 do độ trễ trong chu kỳ tính CPI.

Bù lại, thị trường trong nước được hỗ trợ bởi các yếu tố như cân đối cung - cầu hàng hóa dồi dào, nhất là hàng thực phẩm, lương thực. Trong đó, giá gạo có khả năng tiếp tục xu hướng giảm nhẹ do cạnh tranh xuất khẩu với các nước như Thái Lan, Ấn Độ… ngày càng gay gắt trong khi lượng gạo tồn kho vẫn đang ở mức cao. Cộng với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn thị trường giá cả sẽ góp phần bình ổn mặt bằng giá trong tháng 6/2015.

Trước đó, phân tích về các yếu tố tác động khiến CPI tháng 5/2015 tăng 0,16%, cao nhất kể từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan quản lý giá cho biết có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, do thời tiết chuyển mùa nóng, cùng với việc trong tháng có kỳ nghỉ lễ dài dịp Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3, 30/4-1/5, nhu cầu một số hàng hoá, dịch vụ (đồ uống thuốc lá, may mặc và giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình, điện, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ du lịch, dịch vụ giao thông công cộng...) tăng nhẹ, gây sức ép tăng giá đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ này.

Thứ hai, trong tháng 5/2015, do tác động của giá xăng dầu thành phẩm thế giới, giá xăng điều chỉnh tăng 2 đợt: ngày 5/5/2015 (tăng 1.950 đồng/lít) và ngày 20/5/2015 (tăng 1.200 đồng/lít); giá dầu điều chỉnh tăng ngày 21/5/2015 (dầu diezel tăng 500 đồng/lít). Trong đó, điều chỉnh tăng giá xăng vào đầu tháng 5/2015 đã tác động chủ yếu vào mức tăng CPI tháng 5/2015 của nhóm Giao thông (tăng 1,02%).

Ngoài ra, do còn chịu ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá bán điện bình quân từ ngày 16/3/2015 và lượng điện tiêu thụ tăng do thời tiết nắng nóng, giá điện sinh hoạt trong kỳ tính CPI tháng 5/2015 tăng so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung của tháng 5/2015 khoảng 0,11%.

Các tháng còn lại của năm 2015, cơ quan quản lý giá dự báo, việc tiếp tục thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý giá như điện, dịch vụ y tế, giáo dục... có thể sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng của cả năm.

Trước đó theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh giá điện tăng từ ngày 16/3/2015 sẽ đóng góp vào mức tăng chung của CPI cả năm 2015 khoảng 0,46%. Đồng thời, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2015 theo lộ trình cũng sẽ có tác động làm tăng CPI năm 2015.

Cơ quan thống kê cho rằng, với phương án điều chỉnh kết cấu 3 yếu tố chi phí trực tiếp và chi phí chi trả phụ cấp vào giá dịch vụ y tế sẽ có tác động làm tăng CPI cả năm 2015 thêm 0,74%, nếu kết cấu thêm chi phí tiền lương sẽ tác động làm tăng CPI cả năm với mức độ lớn hơn.

Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý giá, thị trường trong nước sẽ được hỗ trợ bởi áp lực lạm phát từ giá năng lượng trên thị trường thế giới không lớn. Các tổ chức quốc tế như EIA, Reuters, WB đều điều chỉnh giảm dự báo giá dầu WTI bình quân năm 2015, dao động quanh mức 50,3-52,15 USD/thùng. Thêm vào đó, đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt cũng làm giá dầu, chủ yếu tính bằng USD, giảm.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại kỳ 9 khóa XIII, tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2015 tiếp tục ổn định, tổng cầu trong nền kinh tế phục hồi và cung ứng hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt; tốc độ tăng trưởng tín dụng khả quan (dự báo 15%-17%) cho thấy sản xuất kinh doanh khu vực dân doanh chuyển biến tích cực.

Do đó dự báo, nếu 7 tháng cuối năm không xảy ra những biến động đột xuất (lũ bão, dịch bệnh...) thì chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2015 so với tháng 12/2014 sẽ vào khoảng 3,0% - 3,5%.

PV

Theo Thời báo Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên