MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi trả nợ và lãi vay đang lấn át các khoản chi tiêu khác

Nghĩa vụ thanh toán nợ công (tổng thanh toán nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014.

Nói về áp lực ngân sách của Việt Nam hiện nay, trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam vừa được công bố Ngân hàng Thế giới – World Bank cho rằng: Gia tăng nợ công đang tạo thêm gánh nặng cho ngân sách.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ công của Việt Nam (nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) ước tính 2.347 nghìn tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD).

Tỷ trọng nợ công so với GDP tăng nhanh từ 50% năm 2011 lên 59,6% năm 2014. 79,6% con số này là nợ chính phủ, 19% là nợ được chính phủ bảo lãnh và khoảng 1,4% là nợ của chính quyền địa phương.

Bộ Tài chính dự báo tổng dư nợ công có thể đạt mức đỉnh điểm gần 65% GDP vào cuối năm 2017. Sau đó, tỷ lệ nợ/GDP sẽ giảm dần do thắt chặt tài khóa.

Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách

Theo World Bank, do nhu cầu tài trợ ngân sách tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn vay ưu đãi bên ngoài, Chính phủ chủ yếu dựa vào nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn.

Mặc dù nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27-28% GDP trong giai đoạn 2010-2014, nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014.

Phần lớn huy động vốn trong nước dựa trên phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất bình quân gia quyền 7,9%/năm trong năm 2013 và 6,6% năm 2014. Thời gian đáo hạn trung bình của trái phiếu chính phủ tương đối ngắn 3,1 năm (2013) và 4,8 năm (2014).

“Điều này có thể phát sinh rủi ro quay vòng nợ không khớp với kỳ hạn, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bằng nợ vay” – Tổ chức này nhận định.

Cũng theo World Bank, nghĩa vụ thanh toán nợ công (tổng thanh toán nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014. Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác.

Chi NSNN thời gian tới sẽ bị vướng bởi một số giới hạn

Theo nhận định của một số chuyên gia tài chính trong nước, trong bối cảnh hiện nay cũng như trong tương lai gần, tốc độ tăng chi NSNN gặp thêm một số giới hạn so với trước đây.

Thứ nhất là tốc độ tăng thu NSNN chậm hơn do giá dầu thấp và lạm phát thấp. Điều này dẫn đến rủi ro là: nếu chúng ta dự báo giá dầu và lạm phát ở mức cao, từ đó dự toán thu-chi NSNN ở mức cao, nhưng sau đó giá dầu và lạm phát trên thực tế lại ở mức thấp hơn so với dự báo, thì sẽ dẫn đến thâm hụt NSNN có thể cao hơn dự tính.

Dự toán NSNN trong thời gian tới, vì vậy, sẽ phải tính đến rủi ro này, có nghĩa là tốc độ tăng thu-chi NSNN dự tính sẽ phải chậm lại và một số khoản chi có thể sẽ bị cắt giảm, thậm chí cả về số tuyệt đối.

Do các khoản chi lương, chi trả nợ luôn được ưu tiên, nên các khoản chi bị cắt giảm có thể là chi đầu tư phát triển và một số khoản chi khác. Các số liệu được công bố cho thấy, chi đầu tư phát triển năm 2013 chỉ ở mức 201,5 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với con số gần 268,8 nghìn tỷ đồng năm 2012.

Giới hạn thứ hai là trần nợ công. Theo kế hoạch, đến năm 2016, nợ công sẽ tăng lên mức 64,9% GDP, gần đạt mức trần 65% GDP do Quốc Hội ban hành.

Như vậy, từ năm 2017 tốc độ tăng nợ sẽ phải chậm hơn hoặc cùng lắm là tương đương với tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Nếu lạm phát thấp, tốc độ tăng GDP danh nghĩa cũng thấp và chi NSNN sẽ không thể tăng cao.

Bên cạnh đó, tộ tăng trưởng GDP cũng như lạm phát của nền kinh tế Việt Nam cho đến nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ tăng đầu tư, do tốc độ tăng tiêu dùng tư nhân, tính trung bình trong giai đoạn 1996-2013 chỉ ở mức 6%, thấp hơn tốc độ tăng GDP trung bình là 6,7% trong cùng giai đoạn.

Bởi vậy, khi tình trạng nợ xấu cao đang cản trở đầu tư tư nhân kết hợp với tình trạng nợ công cao cản trở đầu tư của khu vực nhà nước, thì khả năng tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa cũng sẽ không thể bứt phá trong thời gian tới.

Điều này lại khiến thu NSNN bị ảnh hưởng và có nguy cơ tạo nên một vòng luẩn quẩn: “Thu NSNN thấp – tăng trưởng GDP danh nghĩa thấp – thu NSNN thấp”.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm (đến thời điểm 15/7/2015) ước tính đạt 476,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3% dự toán năm.Và tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2015 ước tính đạt 590,9 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, chi đầu tư phát triển 94,1 nghìn tỷ đồng (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 91,4 nghìn tỷ đồng), chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 409,6 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ và viện trợ 82,2 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, tổng mức bội chi ngân sách từ đầu năm đến ngày 15/7 ước khoảng 114.400 tỷ đồng.

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên