MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ xin bội chi 190.000 tỉ đồng năm 2013

190.000 tỉ đồng là con số Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội cho phép bội chi ngân sách nhà nước năm 2013.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 ở mức hơn 190.000 tỉ đồng, tăng 28.250 tỉ đồng so với dự toán. Mức bội chi được đề xuất này chỉ giảm được 5.250 tỉ đồng so với mức tối đa mà Quốc hội cho phép.

Theo Chính phủ, với mức bội chi ngân sách nhà nước này, cân đối ngân sách địa phương năm 2013 cơ bản được đảm bảo, còn ngân sách trung ương vẫn khó khăn, phải tiếp tục tìm kiếm nguồn xử lý trong quá trình điều hành ngân sách năm 2014.

Tuy nhiên, chỉ cách đó ít ngày, trước báo cáo về kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2013 của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội bày tỏ quan điểm rằng, cần đánh giá thực chất hơn thực trạng của nền kinh tế qua diễn biến sản xuất và đời sống cũng như tính khách quan số liệu của các báo cáo.

"Một số chỉ tiêu quan trọng như cán cân thương mại, thu ngân sách, tăng trưởng dư nợ tín dụng thông tin độ chính xác chưa cao, điều chỉnh nhiều lần và có khác biệt khá lớn giữa các lần báo cáo, công bố thông tin”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ, về nhập siêu, trong báo cáo cho Quốc hội vào tháng 10/2013 thì nhập siêu là vào khoảng 500 triệu đô la Mỹ, bằng khoảng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến cuối tháng 12/2013 Tổng cục thống kê công bố xuất siêu 863 triệu đô la Mỹ nhưng đến nay báo cáo chính thức đánh giá lại thì xuất siêu chỉ còn là 9,4 triệu đô la Mỹ.

Về thu ngân sách nhà nước, ước thực hiện cả năm 2013 hụt thu cân đối ngân sách 59.430 tỷ đồng, do đó đã trình Quốc hội cho điều chỉnh mức bội chi của năm 2013 từ 4,8% lên 5,3% GDP, đồng thời quyết định mức bội chi năm 2014 không quá 5,3% GDP, đến nay đánh giá lại thì 2013 lại vượt thu.

Về tốc độ tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 31/10/2013, dư nợ tín dụng tăng 7,18% so với cuối năm 2012, dự báo cả năm tăng khoảng 9%, nhưng đến nay đánh giá lại cả năm 2013 là 12,51%, nghĩa là 2 tháng cuối năm tăng rất mạnh.

Thực tế, các báo cáo thống kê vênh nhau đã diễn ra từ lâu, thậm chí Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từng thốt lên rằng: "Các con số của Việt Nam cứ thế nào ấy. Tôi không dám tin. Thế mà chúng ta lại đem số liệu đấy ra phân tích nữa thì chắc là càng không đúng".

Theo nguyên Phó Thủ tướng, thay vì mải chạy theo các con số, nhà hoạch định chính sách nên xem xét lại chủ trương, đường lối.

Từng trao đổi với báo chí trước đó, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, số liệu thống kê hiện nay ở nước ta luôn có hai số, một số dùng khi nghiên cứu sẽ chính xác hơn, và một số dùng để công bố công khai, con số này có thể bị tác động bởi nhiều vấn đề, có thể bị chỉ đạo, nên cũng có điều chỉnh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, có nhiều con số không thể thống kê chính xác được, như điện lực, xăng dầu lúc nào cũng bảo lỗ, ai biết thực hư thế nào, cũng chỉ có thể dựa vào báo cáo của doanh nghiệp đó.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết, số liệu vênh nhau có ba nguyên nhân là sai sót kỹ thuật, không muốn theo chuẩn quốc tế hoặc số liệu giả dối.

Theo Thái An

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên