MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ yêu cầu rà soát lại các dự án ODA

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu cần thiết lập cơ chế giải ngân tốt để khơi thông dòng vốn ODA vốn đang rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Thực tế nhiều địa phương cứ nghe có dự án vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là “vơ vào”, trong lúc có những dự án giá rất đắt, nhưng hiệu quả cầm chừng đã được nêu lên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần phải tính hiệu quả và rà soát lại các dự án, chứ “không phải cứ ODA là nhận hết”.


Sẵn sàng trả lại dự án không phù hợp

Nêu ý kiến tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng có nhiều dự án ODA đắt và áp những tiêu chuẩn Châu Âu quá cao dẫn đến khó thực thi tại Việt Nam. Ông cho rằng chỉ cần so sánh thu nhập trung bình tại Việt Nam có hơn 1.000USD/người/năm, trong lúc ở Châu Âu con số này là hơn 30.000USD/người/năm nên nếu cứ áp nguyên tiêu chuẩn Châu Âu vào Việt Nam sẽ khó thu hút đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nếu cứ vay như vậy Việt Nam sẽ phải chịu nợ lớn. Trả lời phóng viên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng tình cho rằng với dòng vốn ODA, một mặt cần phải vận động thêm, nhưng mặt khác không phải cứ cho ODA là nhận với bất kỳ dự án nào, nếu dự án đó không hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của nguồn vốn ODA với Việt Nam, song khẳng định Việt Nam sẵn sàng trả lại một số dự án nếu không phù hợp, hoặc chưa cần thiết. Thủ tướng dí dỏm: “Rác thải của mình khác, rác của Bắc Âu khác. Nhận ODA vào đây không xử lý được, vì rác của mình lộn xộn lắm”.

Lo vốn đối ứng

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu cần thiết lập cơ chế giải ngân tốt để khơi thông dòng vốn ODA vốn đang rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đơn cử, Ngân hàng Thế giới hiện vẫn còn “tồn” các dự án ODA khoảng hơn 5 tỉ USD, chưa kể còn Nhật và các nhà tài trợ khác cũng đang thúc giục giải ngân. Nguyên nhân được nêu là do Việt Nam thiếu vốn đối ứng.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cũng “kêu” khó trong việc tìm vốn đối ứng từ ngân sách cho các dự án ODA mà bộ quản lý. Bộ trưởng Phát kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên tối đa vốn đối ứng cho các dự án ODA, vì “nếu bỏ vào đây 3 đồng, sẽ có 10 đồng”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng cho biết vốn ODA rất cần được giải ngân, nhưng do vốn đối ứng ghi quá thấp nên không khuyến khích được việc thực thi. “Nếu giao vốn đối ứng cân đối được thì các chủ đầu tư sẽ phải thực hiện, giúp đẩy nhanh việc giải ngân”. Bộ trưởng cho biết riêng ngành giao thông cần 17.000 tỉ đồng vốn đối ứng ODA trong giai đoạn 2014-2015.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề xuất do ngân sách 2013 và 2014 khó khăn, nên có thể xin hỗ trợ thêm ngân sách bằng cách phát hành trái phiếu vốn đối ứng ODA. Trước những lo ngại nếu đưa thêm vốn trái phiếu ODA đồng nghĩa với việc phải đuổi theo dự án dẫn đến kéo dài danh mục vốn trái phiếu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lý giải sẽ xin hẳn một khoản vốn đối ứng ODA trong vài năm. Đến năm 2016-2017 kinh tế tốt lên thì sẽ dừng việc phát hành trái phiếu vốn đối ứng ODA.

Theo Phương Thủy

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên