MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chờ số đẹp từ cổ phần hóa

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, nếu từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương, DN sát sao, quyết liệt thực hiện, dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần hóa (CPH) được khoảng 210 DN và số DN CPH giai đoạn 2011- 2015 sẽ là con số đẹp với 459 DN, đạt 90% kế hoạch.

Sẽ “cán đích” với 90% DN CPH?

Tại Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN do Chính phủ tổ chức mới đây, số liệu CPH các DNNN tính đến hết tháng 10 đã khả quan hơn nhiều so với tháng liền kề. Theo đó, cả nước đã có 175 DN được sắp xếp. Trong đó, 159 DN đã được phê duyệt phương án CPH; 16 DN thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác gồm: 4 DN thực hiện bán, 5 DN sáp nhập, 2 DN giải thể, 5 DN chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Tính cả giai đoạn từ năm 2011 đến ngày 10-11-2015 cả nước đã sắp xếp được 471 DN, trong đó CPH được 408 DN (bằng 79,37% tổng số DN phải CPH theo kế hoạch 2011- 2015) và sắp xếp theo các hình thức khác 63 DN (bán 10 DN; sáp nhập, hợp nhất 37 DN; giải thể, phá sản 9 DN; chuyển thành đơn vị sự nghiệp 1 đơn vị; chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên 6 DN).

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, nếu các bộ, ngành, địa phương, DN sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, CPH đã được phê duyệt, dự kiến năm 2015 sẽ CPH được khoảng 210 DN. Như vậy, số DN CPH giai đoạn 2011- 2015 sẽ là 459 DN, đạt 90% kế hoạch. Riêng 2 năm 2014 và 2015 CPH được 353 DN.

Nếu như TP. Hà Nội trước đây thực hiện chậm so với lộ trình và so với các tỉnh bạn thì nay đã là địa phương đứng đầu với số lượng 32 DN CPH, tiếp đến là Tổng công ty Đường sắt (24 DN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (9 DN)…  TP.Hồ Chí Minh lại lùi về danh sách các đơn vị tuy triển khai tích cực nhưng đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả, với 6/21 DN.

Đáng lưu ý, nhiều bộ, địa phương lại chưa có DN nào được CPH tính đến thời điểm 10 tháng năm 2015 đó là Bộ: Tài nguyên và Môi trường (0/5 DN), Thông tin và Truyền thông (0/4 DN); các địa phương: Nam Định (0/5 DN), Tiền Giang (0/5 DN), Bình Dương (0/3 DN), Bình Phước (0/3 DN), Đắk Lắk (0/3 DN), Gia Lai (0/3 DN)…

Kết quả thoái vốn nhà nước, 10 tháng đầu năm 2015, cả nước thoái được 9.152,2 tỷ đồng, thu về 13.767,5 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418,2 tỷ đồng thu về 4.956,3 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 4.734,1 tỷ đồng thu về 8.811,4 tỷ đồng.

Các đơn vị thoái vốn đạt kết quả tốt 10 tháng đầu năm 2015 là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (đã thoái được 3.023 tỷ đồng, thu về 3.537 tỷ đồng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (thoái 918 tỷ đồng, thu về 1.256 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (thoái 1.147 tỷ đồng thu về 3.435 tỷ đồng), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (thoái 362 tỷ đồng, thu về 1.122 tỷ đồng).

Đánh giá về kết quả này, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, những con số đó cho thấy quyết tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, nhìn xa hơn về “hậu” CPH, ông Ngân cảnh báo, bên cạnh những mặt nhìn thấy được của việc CPH như DN làm ăn tốt hơn, quản lý minh bạch hơn, một số DN đã CPH chưa có chuyển biến về chất đối với quản trị, điều hành DN và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Dồn “gánh nặng” cuối năm

Như vậy, nếu quyết tâm phấn đấu, Chính phủ sẽ hoàn thành được 90% kế hoạch như đã hứa. Nếu đạt được con số đó đã là thành công lớn, bởi trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho biết, tính đến hết tháng 8 năm 2015 mới CPH được 95 DNNN, đạt 32,8% kế hoạch cả năm.

Trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội ngay đầu phiên họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại về việc khó đạt được kế hoạch tái cơ cấu DNNN đã đề ra, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về CPH, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN đã được đẩy nhanh nhưng số lượng DN phải hoàn thành CPH trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch 2011- 2015. Số vốn các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực: Bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn chiếm khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.

Nguyên nhân thì có nhiều, cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương, DN chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, CPH, thoái vốn đã được phê duyệt.

Về khách quan, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn nhà nước (bình quân 10 tháng năm 2015 số cổ phiếu IPO bán được chỉ đạt 38% tổng số cổ phần chào bán).

Nhiều DN thực hiện sắp xếp, CPH giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị DN để CPH; việc lựa chọn cổ đông chiến lược… cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.

Trả lời báo chí mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, kế hoạch CPH DNNN trong năm nay và cả giai đoạn 2011- 2015 khó hoàn thành. Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, con số Chính phủ đề ra là mục tiêu cố gắng phấn đấu để đạt được.

Còn nếu so với kế hoạch sắp xếp, đổi mới, chuyển đổi sở hữu DNNN đã được Quốc hội phê chuẩn và cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước nhà đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ là vào cuối năm 2015, số lượng DNNN giảm 50% so với năm 2011, chúng ta đã hoàn thành vượt mức.

Trong Nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 vừa được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã xác định tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, nhất là các công ty nông, lâm nghiệp; tiếp tục bán phần vốn Nhà nước trong các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường và sử dụng một phần số tiền thu này cho đầu tư phát triển…

Như vậy, lộ trình cho thời gian tới đã rõ. Đại diện Lãnh đạo Cục Tài chính DN cũng khẳng định, trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, sẽ tiếp tục tiến hành CPH bước hai, tức là đưa các DN đã CPH nhưng chưa bán được cổ phần như mong đợi thành công ty đại chúng, niêm yết để thu hút các nhà đầu tư. Điều quan trọng là cách thức thực hiện, tiếp tục đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin để “mời gọi” được những nhà đầu tư tiềm năng, mang lại hiệu quả thực sự cho cả quá trình thực hiện CPH cũng như “hậu” CPH.

Theo Minh Anh

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên