MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI: “Chúng ta phải thương doanh nghiệp nhà nước”

“Chúng ta phải thương doanh nghiệp nhà nước vì họ cũng cần môi trường kinh doanh bình đẳng. Cách thương tốt nhất là đặt họ vào môi trường kinh doanh bình đẳng”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.

Doanh nghiệp "đóng góp" cho cán bộ ăn liên hoan

Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay trong cải cách thể chế” TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã dẫn lại một số trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ánh rằng một cơ quan nhà nước đề nghị doanh nghiệp phải mừng tuổi theo danh sách 35 cán bộ viên chức của cơ quan.

Thậm chí, trường hợp khác đòi công ty phải đóng góp cho cán bộ, nhân viên đi nghỉ hè, đi khảo sát nước ngoài… Hoặc Chủ tịch huyện mời khách đi ăn tối sau đó gọi doanh nghiệp đến trả tiền.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng không chỉ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước cũng đang gặp những vướng mắc tương tự.

TS. Lưu Bích Hồ dẫn lại trường hợp một Tổng giám đốc thuộc doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn phản ánh với ông rằng, một ngày họ có thể nhận hàng chục cuộc điện thoại “hỏi thăm”.

“Cũng phải thương doanh nghiệp nhà nước chứ không chỉ nói xấu, nói không hay về doanh nghiệp nhà nước”, ông Hồ nêu quan điểm.

"Phải thương doanh nghiệp nhà nước"

Trước ý kiến nêu trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng “Phải thương doanh nghiệp nhà nước nhưng cách thương tốt nhất là phải đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường kinh doanh bình đẳng”.

"Chúng ta phải thương doanh nghiệp nhà nước, họ cũng cần môi trường kinh doanh bình đẳng và thương doanh nghiệp tốt nhất là đặt họ vào môi trường kinh doanh bình đẳng tức là phải đưa ra điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận dễ dàng nguồn lực", ông Lộc nói.

Ông Lộc cho rằng, doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng nhiều thuận lợi nhưng đồng thời họ lại chịu sự can thiệp quá nhiều của cơ quan chủ quản trong khi điều quan trọng là phải để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường.

"Bớt sự can thiệp của cơ quan nhà nước với tư cách cơ quan chủ quản. Nhà nước đóng vai trò như cổ đông, chủ sở hữu nhưng không can thiệp vào hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp", ông Lộc đề xuất.

Ông Lộc phân tích thêm, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn và cũng có tiềm năng nên cần giải phóng để tạo điều kiện tự do kinh doanh. 

Cũng theo ông Lộc, cần phải đưa Cục Quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ chủ quản. Cơ quan quản lý cạnh tranh cần là cơ quan độc lập với tư cách cơ quan độc lập có thể ở bất kỳ bộ nào nhưng với điều kiện Bộ đó không giữ vai trò chủ quản doanh nghiệp nhà nước.

"Bộ trưởng cùng một lúc làm sao có thể điều hành để có môi trường cạnh tranh bình đẳng, đồng thời quan tâm đến doanh nghiệp ông ấy là chủ sở hữu? Đây sẽ là bài toán khó cho bất kỳ một ông Bộ trưởng nào để vừa đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng vừa chăm lo quan tâm đến những “con đẻ” của mình", ông Lộc nêu quan điểm.

Trả lời câu hỏi của BizLIVE liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn doanh nghiệp nhà nước có sự uy tín hơn khi trực thuộc Bộ chủ quản, vị đại diện VCCI cho rằng với xu hướng cải cách hệ thống ngân hàng hiện nay ngân hàng vì lợi ích của chính họ sẽ phải tìm đến những đối tượng cho vay có năng lực, có hiệu quả.

"Việc bằng quan hệ, mệnh lệnh hành chính để cho vay ngày càng giảm đi. Ngân hàng lựa chọn cho vay không có sự phân biệt doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Ngân hàng bản thân cũng là doanh nghiệp và vì sự tồn tại của họ. Ngân hàng lớn chỉ đạo trong chiến lược tìm dự án cũng như các doanh nghiệp tốt để cho vay, yếu tố thành phần kinh tế không phải là sự lựa chọn của các ngân hàng hiện nay", ông Lộc nói.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng trực tiếp chỉ đạo ngành điện khi trước đó từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, dư luận băn khoăn vấn đề minh bạch giá thành điện, tài chính của EVN có thể không được như kỳ vọng.

Ông Lộc cho biết, EVN là doanh nghiệp có tính chất độc quyền tự nhiên và cơ quan phải phán xử độc quyền là Bộ Công thương.

"Điểm quan trọng theo tôi là tiến tới bỏ chế độ chủ quản, các bộ ngành chỉ quản lý nhà nước không là chủ quản của doanh nghiệp nhà nước lúc đó mới thực sự có môi trường cạnh tranh thật sự bình đẳng", ông Lộc kết luận.

Theo NGUYỄN THẢO

PV

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên