MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa thông qua TPP: Một khoảng lùi cần thiết

Để có thể hỗ trợ thiết thực cho DN tìm kiếm lợi ích từ TPP, cần có một chiến lược phát triển rõ ràng.

Ngay sau khi thông tin về phiên đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii (Hoa Kỳ) đổ vỡ vào phút chót được loan đi, tác động dường như ngay lập tức với thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ hôm 1/8 đến nay, VN-Index lao dốc mạnh mấy phiên liên tiếp, làm dấy lên quan ngại về những tác động to lớn hơn đến nền kinh tế.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Thưa ông, việc một loạt cổ phiếu của các DN ngành dệt may, thủy sản lao dốc vừa qua được cho là có liên quan đến đàm phán TPP thất bại. Thế còn ảnh hưởng đến các DN thì sẽ thế nào?

Thực tế đã có nhiều DN tập trung đầu tư để đón đầu TPP. Sau hai sự kiện, một là Tổng thống Obama được Quốc hội Hoa Kỳ giao cho quyền đàm phán nhanh TPP, thứ hai là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, thì nhiều người nghĩ rằng những vấn đề còn vướng mắc đâu đó có thể sẽ được giải quyết để tiến tới kết thúc đàm phán. Do đó, phiên đàm phán của các Bộ trưởng tại Hawaii vừa rồi được nhiều người đặt kỳ vọng. Nhưng cuối cùng, kết quả lại chưa đạt được thỏa thuận.

Thông tin mới nhất là tháng 8 này, các nước sẽ ngồi lại một lần nữa. Nếu vẫn không thông qua được thì phải cuối năm 2016, khi Quốc hội Mỹ bầu cử xong thì mới có thể thông qua TPP, cộng thêm độ trễ của chính sách phải đến 2017, TPP mới có thể có hiệu lực…

TPP chưa thông qua sẽ đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất là khi TPP ký, nó tạo ra tác động rất lớn cho Việt Nam chúng ta. Tác động rõ nhất là chúng ta có thể mở rộng thị trường với ngành dệt may, da giày, thủy sản… Mặt khác, TPP cũng buộc Việt Nam phải đổi mới về thể chế và một số vấn đề về đầu tư công, mua sắm công, DNNN… tạo ra một môi trường thông thoáng cho Việt Nam. Thông qua sớm thì các DN của chúng ta hưởng được nhiều lợi ích.

Chính vì thế, ngay sau khi có thông tin không ký được TPP ở vòng đàm phán tại Hawaii thì trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các DN dệt may và thủy sản bị giảm điểm từ 5-6%, hoặc hơn. Tuy sự sụt giảm này cũng chỉ là nhất thời, nhưng rõ ràng là TPP cũng có tác động nhất định.

Tuy nhiên, TPP trễ cũng có cái lợi. Vì giả sử TPP được ký ngay trong năm nay thì có thể những cái lợi từ việc giảm thuế chưa thể “lọt” tới Việt Nam. Ví dụ như với ngành dệt may, hiện nay sợi trên 50% phải nhập khẩu từ Trung Quốc, nên lợi thế sẽ không nhiều. Mà hiện nay các DN của chúng ta đang đầu tư. Nếu TPP kéo dài thêm 1 năm nữa thì chúng ta có rất nhiều điều kiện để cho DN Việt Nam đầu tư, hoặc chúng ta kêu gọi các nước khác đầu tư vào Việt Nam để hưởng trọn những lợi thế khi chúng ta gia nhập TPP.

Nhưng dường như các DN đã có quá nhiều thời gian để chuẩn bị rồi, thêm một năm nữa liệu đã chắc cải thiện được tình hình hiện nay?

Thật ra, các DN cũng đang chuẩn bị, nhưng có nhiều thứ DN rất khó khăn. Ví dụ như đầu tư vào dệt, nhuộm thì hầu hết các địa phương đều “né”, vì người ta sợ ô nhiễm môi trường. Vấn đề nữa là khi các DN đến địa phương nào đó đầu tư thì các địa phương đều yêu cầu nước thải phải đạt loại A (tức thải ra có thể uống được). Trong khi đó, các DN làm ra chỉ đạt loại B (loại mà cá có thể sống được).

Một điều rõ ràng là muốn xử lý nước thải đạt loại A thì đòi hỏi Nhà nước phải sát cánh cùng với DN. Chẳng hạn khi mở ra các khu công nghiệp, Nhà nước đầu tư vào việc xử lý nước thải, DN đầu tư vào đó chỉ phải chuyển nước thải ra khu xử lý tập trung do nhà nước đầu tư, thải bao nhiêu m3 thì đóng tiền tương ứng cho Nhà nước. Nếu làm được điều này thì trong thời gian chờ đợi TPP được thông qua, chúng ta mới có thể mở rộng cho các DN trong nước đầu tư vào kéo sợi và nhuộm.

Ông có nói DN đã chuẩn bị. Như vậy sẽ có DN chịu thiệt từ việc TPP chậm thông qua?

Hiện nay, do chưa có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nên các DN vẫn phải “tự bơi”, tự cứu lấy mình. Tôi có một người bạn là chủ DN liên doanh, đầu tư vào dệt nhuộm, kéo sợi. Cuối năm nay nhà máy này sẽ ra sản phẩm đầu tiên, mục tiêu chưa phải để phục vụ cho TPP, mà đó chỉ là bước đệm, sau đó mới nâng tầm lên để cung ứng cho TPP. Tức là phải ra sản phẩm trước, sau đó mới điều chỉnh cho phù hợp điều kiện TPP để bán cho DN sản xuất đưa vào các nước trong khối TPP.

Rõ ràng là DN này có dự phòng, vì họ đặt ngược lại vấn đề giả sử TPP không ký được trong năm nay thì sao? Họ phải đưa ra chương trình dự phòng, vì nếu đầu tư đón đầu TPP thì nó gắn với việc vay vốn chịu lãi suất NH, gắn với thuê đất đai, tiền của bỏ vào đó rất lớn. Giả sử TPP chậm 1 năm mà DN không có bước đệm (xuất khẩu sang thị trường ngoài TPP), có thể sẽ đẩy một DN đang làm ăn tốt đi đến khốn khó, thậm chí bờ vực phá sản.

Vậy theo ông, Nhà nước nên bắt đầu từ những hoạt động nào để có thể hỗ trợ thiết thực cho DN tìm kiếm lợi ích từ TPP?

Đầu tư một nhà máy may mặc chỉ khoảng 1 triệu USD là đã hoạt động được, trong khi đầu tư một nhà máy xử lý nước thải đoạt loại A hiện nay trung bình tốn từ 30-40 triệu USD. Vậy nên cần phải có bàn tay của Nhà nước đầu tư các khu xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp, rồi sau đó thu hồi tiền lại, giống như câu chuyện làm đường thu phí…

Nếu dồn hết vào DN thì rất khó. Một năm nữa mà Nhà nước không có chuyển biến gì thì các nước khác như Trung Quốc... qua Việt Nam đầu tư rất nhiều. Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) đã đầu tư 3-4 nhà máy dệt sợi ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Mà rõ ràng nếu các DN FDI họ làm hết công đoạn dệt, nhuộm thì mai mốt mình mua sợi của họ về làm gia công, hoặc làm các công đoạn khác thì lợi thế thuế 17% giảm còn 0% sẽ lọt vào tay những DN FDI nhiều hơn.

Theo tôi, cần phải có một cuộc ngồi lại giữa các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước, các hội ngành nghề liên quan đến ngành đó để bàn một chiến lược phát triển, chứ không phải chỉ đạo chung chung, nói chung chung rồi mạnh ai nấy làm.

Nên bàn xem hiện nay tham gia TPP còn thiếu gì, các ngành đang cần gì… từ đó ra được một chiến lược hỗ trợ cho DN tiếp cận TPP. Giả sử năm nay chưa “chốt” được TPP thì từ nay đến 2017, Nhà nước phải có một chính sách riêng về TPP, hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu. Chứ cứ nói xuất khẩu sẽ tăng lên 40%, thu về 60 tỷ USD… nhưng làm ra sao, ai làm, làm cách gì… thì vẫn chưa chỉ ra được.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên