MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế giúp đẩy nhanh giải phóng hàng xuất nhập khẩu

Tiến độ thực hiện các cam kết với chế tài của WTO sẽ là nhân tố tích cực giúp thúc đẩy thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO (Hiệp định TF) và giúp thúc đẩy tiến độ hiện đại hóa quản lý xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa.

Ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) đã có cuộc trao đổi thông tin với báo chí, làm rõ về những tác động của Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO (TF) đối với việc quản lý xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam.

Xin ông nói rõ về tác động của việc đàm phán và triển khai thực hiện Hiệp định TF trong lĩnh vực hải quan?

Ông Nguyễn Toàn: Việt Nam là thành viên thứ 54 trong số 64 thành viên đã phê chuẩn Hiệp định TF và Hiệp định này sẽ có hiệu lực khi có đủ 2/3 (108 nước) số thành viên WTO phê chuẩn.

Về khía cạnh chính trị, đối ngoại, việc phê chuẩn Hiệp định TF phù hợp với đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiệp định TF là văn kiện mới và chưa thực hiện nên chưa có căn cứ thực tiễn để tổng kết. Tuy nhiên trong quá trình tham gia đàm phán, các nội dung cam kết đã từng bước được chuyển tải vào Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn luật.

Có thể nói Hiệp định TF đã góp phần tạo khung pháp lý cơ bản, đồng bộ với các chuẩn mực hải quan quốc tế; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hoạt động quản lý hải quan.

Phương thức quản lý hải quan hiện đại sẽ được đẩy mạnh nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc tiên tiến, công nghệ thông tin vào thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Việc áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát gián tiếp bằng thu thập thông tin, “giảm tiền kiểm” chuyển sang “hậu kiểm”, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật. Qua đó góp phần tích cực chống thất thu thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu; từng bước có tác dụng ngăn ngừa, răn đe đối với các chủ thể cố ý vi phạm pháp luật hải quan.

Việc này sẽ giảm bớt các giấy tờ phải nộp, phải xuất trình; đơn giản hóa, công khai hóa thủ tục hải quan; giảm sự phiền hà, ách tắc hàng hóa, phương tiện vận tải tại cửa khẩu và thông quan được thuận lợi, nhanh chóng hơn; từng bước áp dụng ưu tiên làm thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan.

Theo ông, những thuận lợi, khó khăn đối với Việt Nam khi thực thi Hiệp định TF là gì?

Ông Nguyễn Toàn: Tôi cho rằng Việt Nam đã có quá trình thực hiện hiện đại hóa, áp dụng các chuẩn mực quốc tế và cách tiếp cận theo thông lệ tốt nên đã có kinh nghiệm triển khai các nội dung tạo thuận lợi thương mại. Hơn nữa nội dung cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp minh bạch hóa hệ thống văn bản, tạo tiền đề tốt cho việc triển khai các cam kết Hiệp định TF, qua đó đã tạo dựng được đội ngũ cán bộ, chuyên gia ở các cấp độ, các lĩnh vực khác nhau, bảo đảm có thể triển khai đạt yêu cầu các nội dung cam kết này.

Với Hiệp định TF, chúng ta có cơ hội nhận được các hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều tổ chức quốc tế, các cơ quan hải quan nước ngoài  về kỹ thuật nghiệp vụ, về đào tạo cán bộ như  WTO, WB, ADB, ASEAN, APEC...

Tôi cho rằng mặc dù hệ thống pháp luật liên quan đã được cải thiện, với sự ra đời của Luật Hải quan 2014 tạo cơ sở pháp lý toàn diện để thực thi TF nhưng nhìn chung hệ thống pháp luật của ta còn chưa thật hoàn thiện. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỉ trọng lớn (trên 90%), do đó việc tiếp cận và vận dụng chính sách pháp luật còn hạn chế.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn đang diễn biến phức tạp thì việc áp dụng hiệu quả các biện pháp tạo thuận lợi thương mại nói chung và các cam kết tạo thuận lợi thương mại của Hiệp định TF thực sự là một thách thức không nhỏ.

Một vấn đề nữa là cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, giữa các bộ ngành, địa phương tham gia quản lý hoạt động XNK chưa thật tốt, ảnh hưởng tới các nỗ lực tạo thuận lợi thương mại.  Vấn đề hợp tác giữa hải quan các nước như cam kết trong Hiệp định đòi hỏi sự hợp tác thực chất trong khi năng lực cán bộ, hành lang pháp lý chưa cho phép thực hiện các yêu cầu hiển nhiên như điều tra bên ngoài, nhân chứng trước tòa...

Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực, song phương ra đời với những cơ chế ưu đãi XNK phức tạp khiến cho việc nhận diện và xử lý phù hợp các đối tượng ưu đãi đang trở thành thách thức cho ngành hải quan các nước trên thế giới cũng như thách thức các yêu cầu tạo thuận lợi thương mại.

Xin ông cho biết Hiệp định TF có tạo thuận lợi cho việc thực hiện các FTAs không khi vẫn có ý kiến cho rằng dù áp dụng nhiều biện pháp trong FTAs nhưng thời gian giải phóng hàng vẫn còn chậm?

Ông Nguyễn Toàn: Hiệp định TF bao gồm 40 cam kết về các nội dung kỹ thuật nghiệp vụ bao trùm hầu hết các cam kết về nội dung kỹ thuật nghiệp vụ hải quan trong các FTAs khác. Hiệp định TF đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất, toàn diện theo các chuẩn mực quốc tế.

Do đó khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các cam kết liên quan đến tạo thuận lợi thương mại khác trong các FTA mà Việt Nam đang và sẽ thực hiện như Hiệp định thương mại tự do ASEAN, Hiệp định TPP, Hiệp định FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)... Vì vậy khi thực hiện Hiệp định TF là đã cơ bản bao hàm các nội dung tạo thuận lợi thương mại cần thực hiện trong các FTA này rồi.

Về vấn đề giải phóng hàng chậm, tôi cho rằng quá trình làm thủ tục giải phóng hàng (từ khi hàng đến đến khi hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan) liên quan đến nhiều cơ quan.

Thời gian giải phóng hàng có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan hải quan chỉ chiếm khoảng 28%, thời gian còn lại thuộc trách nhiệm của các cơ quan khác.

Ngành hải quan đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thời gian thông quan, thời gian giải phóng hàng nhưng để giảm thời gian làm thủ tục giải phóng hàng thì bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của cơ quan hải quan, rất cần có sự nỗ lực phối hợp của các cơ quan liên quan trong công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, cắt giảm các thủ tục; sự chủ động của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục; sự tích cực hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi của các đơn vị quản lý, kinh doanh cảng, kho bãi, logistics...

Theo Huy Thắng

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên