MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có cơ chế mới, đơn vị sự nghiệp công sẽ hết phụ thuộc vào NSNN?

Theo đại diện Bộ Tài chính, các đơn vị công phải tự nỗ lực kinh doanh, cân đối thu chi. Nếu không tồn tại, phát triển được thì sẽ phải đóng cửa, tái cấu trúc, cạnh tranh sòng phẳng.

Chiều ngày 5/6/2015, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo về Nghị định 16 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các Nghị định về cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến năm 2011, trong 30.000 đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ có 11.000 đơn vị đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động về các khoản chi thường xuyên, và 11.000 đảm bảo một phần chi thường xuyên. Còn tới 18.000 đơn vị vẫn phải “sống” nhờ ngân sách nhà nước, chủ yếu là các trường học, các trạm y tế cơ sở...

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trước nay, giá phí dịch vụ công do nhà nước định giá và mức giá chưa đủ bù đắp chi phí, nên nhà nước vẫn phải bao cấp qua giá, phí dịch vụ. Điều này khiến các đơn vị công không hạch toán được đầy đủ, thu không đủ bù chi. Vì không có nguồn tiền đầu tư, nâng chất lượng dịch vụ, nên các đơn vị này chỉ trông chờ vào ngân sách.

Mục tiêu của quá trình đổi mới đơn vị sự nghiệp công cùng với việc thúc đẩy xã hội hóa, tạo môi trường bình đẳng trong việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập là nhằm phát triển cả về số lượng và chất lượng dịch vụ công, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Việc cho phép điều chỉnh giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công lên theo lộ trình sẽ từng bước tạo ra sự cạnh tranh, không chỉ giữa các đơn vị sự nghiệp công với nhau mà còn giữa đơn vị sự nghiệp công với các đơn vị tư nhân. Khi đó người dân có quyền lựa chọn đến cơ sở nào có chất lượng cao hơn. Các đơn vị sự nghiệp công sẽ phải cạnh tranh nâng cao chất lượng, phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Lúc đó, người dân sẽ chính là khách hàng mà họ phải tìm cách thu hút.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Tài chính có lo ngại về việc giá phí dịch vụ công tăng quá cao, gây khó cho người dân trong khi các đơn vị sự nghiệp công được hưởng quỹ đất, tài sản, hạ tầng kỹ thuật… do nhà nước đầu tư.

Thừa nhận thực tế này, ông Võ Thành Hưng đặt vấn đề: “Tại sao các đơn vị tư nhân tư phải đầu tư toàn bộ, phải thuê nhân công mà vẫn có kinh doanh có lãi? Điều này đòi hỏi các đơn vị công phải tự nỗ lực kinh doanh, cân đối thu chi. Nếu không tồn tại, phát triển được thì sẽ phải đóng cửa, tái cấu trúc, cạnh tranh sòng phẳng”.

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng khẳng định, dù cho phép các đơn vị công tự chủ tài chính, được điều chỉnh giá, phí theo lộ trình, nhưng nhà nước vẫn khống chế bằng mức trần. Giá phí các dịch vụ công cơ bản vẫn được nhà nước đảm bảo thông qua các hỗ trợ trực tiếp, như hỗ trợ 70-100% tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách khác…

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên