MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có hay không lạm phát đình đốn ở Việt Nam?

Nâng mặt bằng lãi suất được coi là giải pháp chống lạm phát kinh điển, tuy nhiên nền kinh tế phải trả giá bằng giảm tốc kinh tế. Đã có ý kiến lo lắng xảy ra lạm phát đình đốn.

Lạm phát đình đốn

Lạm phát đình đốn để chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn nhưng lạm phát vẫn cao. Trong lịch sử kinh tế học thì thời kỳ kinh tế Mỹ 1970 được coi là lạm phát đình đốn khi tỷ lệ thất nghiệp cao, kinh tế trì trệ không tăng trưởng nhưng lạm phát không hề hạ xuống.

Khác với giải quyết suy thoái thông qua kích thích tổng cầu kinh tế thì với đình lạm kinh tế biện pháp về tổng cầu khó đem lại hiệu quả. Chỉ cần nới lỏng tiền tệ để kinh tế thoát khỏi trì trệ thì ngay lập tức lạm phát tăng cao, tuy nhiên thắt chặt tiền tệ thì nền kinh tế lại lập tức bị thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại mặt bằng lãi suất ở Việt Nam rất cao, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Với các doanh nghiệp nhà nước thì ngân sách được cấp cũng giảm trong năm 2011, các doanh nghiệp tư nhân thì không thể vay lãi suất cao để mở rộng sản xuất hay đầu tư công nghệ. 

Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh và tạm dừng các dự án đầu tư mở rộng. Một số doanh nghiệp cho biết kinh doanh đã chậm lại, sức tiêu thụ giảm xuống.

Lạm phát vẫn tiếp tục ở mức cao, quý I là 6,12%, và chịu tác động mạnh mẽ của tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Xăng dầu tăng khoảng 23%, điện tăng 15,3%.

Bên cạnh đó giá lương thực thực phẩm, thành phần chiếm 39,9% giỏ tính toán chỉ số giá CPI, vẫn tiếp tục tăng trên toàn thế giới do yếu tố bất lợi của khí hậu, bất ổn chính trị. Trong nước giá mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao khiến người dân giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm.

Sự khác biệt nền kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải những vấn đề khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên khác với những trường hợp đình lạm đã xảy ra thì tăng trưởng kinh tế vẫn có kết quả nhất định.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, nói: “Tôi không tin Việt Nam bị lạm phát đình đốn. Với những mục tiêu cụ thể Chính phủ Việt Nam đặt ra trong Nghị quyết 11 và quyết tâm thực hiện thì sang năm 2012 lạm phát Việt Nam dự báo chỉ ở mức 6,8%”.

Cùng với việc thực thi một cách hiệu quả Nghị quyết 11 thì ông Konishi cho rằng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng tới 6,1% trong năm 2011 và đạt 6,7% vào năm 2012 khi tình hình vĩ mô ổn định hơn. “Mức tăng trưởng 6,1% không phải là tồi với một nền kinh tế”- ông A.Konishi nhận xét

Thực tế nhiều nghiên cứu định lượng chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tổng cầu và lạm phát tại nước ta nên giảm tổng cầu để kiểm soát lạm phát là không tránh được. Chính phủ đã có kinh nghiệm cũng như bài học về vấn đề này. Do đó để giảm tác động tiêu cực của những chính sách thắt chặt tiền tệ thì áp dụng các biện pháp hỗ trợ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong xã hội, ví dụ như hoãn, giãn nộp thuế.

“Điều này sẽ giảm bớt những trì trệ của nền kinh tế do những chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ” ông Võ Trí Thành cho rằng: “Với những chính sách hỗ trợ thì tăng trưởng tuy không đạt mức mục tiêu đặt ra là 7% nhưng cũng sẽ giúp tăng trưởng dự kiến 6-6,3%”.

“Trong suốt hơn 20 năm kể từ khi đổi mới Việt Nam chỉ có 1 năm mà sản lượng sản xuất công nghiệp -4% vào năm 1989 với lạm phát ở mức 700%. Khi đó lãi suất tiền đồng áp dụng của chúng ta là 12%/ tháng”- ông Thành cho biết thêm.

Với nền kinh tế Việt Nam thì mức tăng trưởng 4,5-5% khá dễ dàng, có thể coi là sức mạnh “bản năng”. Theo định nghĩa của các tổ chức thì một nền kinh tế đang phát triển bị lạm phát đình đốn khi tốc độ tăng trưởng 2-3% kéo dài.

“Vì vậy khả năng lạm phát đình đốn là có nếu chúng ta không nhận biết nguy cơ và hành động, tuy nhiên ở Việt Nam tôi nghĩ là khó”- ông Thành kết luận

Khó khăn vẫn còn ở phía trước, các doanh nghiệp sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức. Còn sớm để nhận định Việt Nam có lạm phát đình đốn. Tuy nhiên nói về nguy cơ đó cũng là lời cảnh báo sớm với các nhà làm chính sách trong câu chuyện điều hành kinh tế vĩ mô. Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị những chiến lược kinh doanh phù hợp.

Cao Sơn

tungdn2

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên