MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội của Việt Nam dù đồng tiền Trung Quốc “lên ngôi”

Với TPP, tác động của nhân dân tệ đối với tình hình kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam được dự báo sẽ giảm dần theo thời gian, dù đồng tiền này vừa được IMF đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế.

Tại Việt Nam, việc nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ SDR đã dẫn đến nhiều nhận định và khuyến nghị khác nhau.

Ngày 30/11/2015, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố, nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã hội đủ điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn gọi là quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Bắt đầu từ ngày 01/10/2016, CNY sẽ được sử dụng tự do, cùng với USD, euro, yên Nhật và bảng Anh.

Chủ yếu mang tính biểu tượng

Trung Quốc là nền kinh tế lớn có quy mô đầu tư và thương mại rất lớn, nên quyết định đưa CNY vào giỏ tiền tệ quốc tế SDR là động thái bình thường, tạo thuận lợi trong các giao dịch thanh toán quốc tế, nhưng mức độ sử dụng CNY trong quan hệ thanh toán và dự trữ ngoại hối của các quốc gia phụ thuộc vào uy tín của CNY trên thị trường quốc tế và nhiều yếu tố khác.

Nhiều chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, sự hiện diện của CNY trong giỏ tiền tệ SDR chủ yếu mang tính biểu tượng, không gây tác động đáng kể đến thị trường tài chính thế giới, việc CNY gia nhập SDR không có nghĩa là các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ mua vào CNY ngay lập tức. Trong tương lai, các nhà đầu tư sẽ vẫn thận trọng do Trung Quốc chưa từ bỏ hoàn toàn kiểm soát dòng vốn hay cho phép thả nổi CNY. Tỷ trọng CNY trong giỏ tiền tệ SDR có thể sẽ tăng lên, chủ yếu tại những nước vay nợ Trung Quốc và tin tưởng vào sự hỗ trợ của Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ nữa, USD vẫn là đồng tiền chủ đạo trên thế giới và được hầu hết doanh nghiệp cũng như cá nhân biết đến. Một trong những lý do khiến USD trở nên quan trọng, là hệ thống pháp lý của Mỹ rõ ràng và minh bạch, USD có tính thanh khoản cao, v.v… Vì thế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức đều cảm thấy an tâm và tự tin rằng họ có thể dễ dàng giao dịch tài sản, hàng hóa thanh toán bằng USD.

Tại Việt Nam, quyết định của IMF đưa CNY vào giỏ tiền tệ SDR đã dẫn đến nhiều nhận định và khuyến nghị khác nhau khi đưa ra dự báo tác động của CNY đến tình hình kinh tế Việt Nam. Về vấn đề này, cần có phân tích đánh giá cụ thể, cả về tác động của CNY trên thị trường tài chính quốc tế và thị trường Việt Nam.

Về tác động của CNY trên thị trường tài chính quốc tế, có thể xem xét dựa trên dữ liệu thống kê về GDP và giá trị xuất nhập khẩu của những quốc gia và khu vực kinh tế có đồng tiền trong giỏ SDR.

Không có sự phụ thuộc giữa tỷ trọng đồng tiền trong giỏ tiền tệ SDR với giá trị xuất nhập khẩu hay GDP của quốc gia có đồng tiền trong giỏ tiền tệ SDR. Mà nguyên nhân cơ bản là do uy tín của đồng tiền trong giỏ tiền tệ SDR đối với nhà đầu tư và tiện ích của đồng tiền đó trong giao dịch thanh toán thương mại.

Trong hai năm 2014-2015, GDP của Nhật Bản cao hơn GDP của Vương quốc Anh, nhưng tỷ trọng của yen Nhật thấp hơn tỷ trọng của bảng Anh trong giỏ tiền tệ SDR. Trong năm 2014, giá trị xuất nhập khẩu của Mỹ thấp hơn nhiều so với giá trị xuất nhập khẩu của các nước khu vực euro, nhưng USD lại chiếm tỷ trọng cao hơn tỷ trọng của euro trong giỏ tiền tệ SDR, v.v…

Giá trị của SDR sẽ dựa trên bình quân gia quyền của giá trị của giỏ tiền tệ, bao gồm USD, euro, bảng Anh, yên Nhật và CNY. Lãi suất của SDR sẽ được xác định trên cơ sở bình quân gia quyền của các mức lãi suất ngắn hạn trên các thị trường của các đồng tiền trong giỏ SDR. Điều này nghĩa là, lãi suất cho vay CNY trong giỏ tiền tệ SDR phụ thuộc vào mức lãi suất ngắn hạn tại Trung Quốc, và mỗi quốc gia thành viên IMF sẽ cân nhắc lựa chọn đồng tiền khi vay tiền từ giỏ SDR này.

Hiện nay, cơ cấu của giỏ tiền tệ SDR như sau: USD chiếm 41,9%; euro chiếm 37,4%; bảng Anh chiếm 11,3%; yên Nhật chiếm 9,4%. Tại thời điểm 01/10/2016, khi quyết định của IMF có hiệu lực, cơ cấu của giỏ tiền tệ SDR được IMF dự kiến như sau: USD tiếp tục chiếm 41,73%; euro chiếm 30,93%; CNY chiếm 10,92%; yên Nhật chiếm 8,33%; bảng Anh chiếm 8,09%. IMF cũng nhận định, tỷ trọng của CNY có thể sẽ tăng dần lên 14-16% theo thời gian.

Vì sao doanh nghiệp Việt không chọn nhân dân tệ?

Về tác động của CNY đối với tình hình kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam, có thể thấy rằng, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhập siêu của Việt Nam tăng dần qua các năm. Năm 2014, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, nhưng thanh toán bằng đồng CNY chỉ chiếm khoảng 2-4% tổng giá trị thương mại của Việt Nam, trong khi quy mô thương mại năm 2014 giữa hai nước đạt gần 60 tỷ USD và còn tiếp tục tăng trong những năm tới.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc muốn Việt Nam sử dụng CNY trong quan hệ thanh toán thương mại và phía Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị cho thanh toán trực tiếp CNY tại Việt Nam. Tuy nhiên, đề xuất của Trung Quốc không được chấp nhận do việc thanh toán CNY tại Việt Nam sẽ trái với quy định của pháp luật Việt Nam là trên đất Việt Nam chỉ sử dụng VND (trừ việc thanh toán biên mậu tại khu vực biên giới giữa hai nước). Ngay cả USD, một đồng tiền mạnh nhất thế giới cũng không được sử dụng trong giao dịch thanh toán tại Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, việc sử dụng đồng tiền nào trong quan hệ thanh toán quốc tế là bài toán đơn thuần là lợi nhuận và tiện ích trong thanh toán. Trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, phần lớn là máy móc, trang thiết bị và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, khoảng 20% là hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hầu như không sử dụng CNY làm đồng tiền thanh toán, mà chủ yếu vẫn sử dụng USD.

Đây là lôgic thông thường, do các doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó lại xuất khẩu hàng hóa thành phẩm sang những thị trường khác. Nếu sử dụng CNY trong thanh toán nhập khẩu từ Trung Quốc, khi bán hàng sang thị trường khác và thu về bằng ngoại tệ khác, rồi lại phải đổi sang CNY để trả nợ thì rất bất tiện và tốn kém. Ngoài ra, giá trị của CNY không ổn định cũng là yếu tố khiến các doanh nghiệp không muốn sử dụng CNY trong quan hệ thanh toán. Tại Việt Nam, vàng, VND, USD là ba loại phương tiện tích trữ tài sản được sử dụng rộng rãi nhất từ nhiều năm qua.

Cơ hội từ TPP

Việt Nam vừa mới ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm cách tận dụng những ưu đãi của Hiệp định này để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước cân bằng cán cân thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Khi tham gia Hiệp định TPP, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa đầu vào cũng được quy định rất chặt chẽ. Cụ thể là, các doanh nghiệp Việt Nam phải ưu tiên nhập khẩu hàng hóa đầu vào từ những nước thành viên trong nội khối, nêu không sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu vào các thị trường khác trong nội khối.

Hiệp định TPP được công bố cùng với tuyên bố chung về các chính sách kinh tế vĩ mô và vấn đề tỷ giá. Trong đó, Hiệp định TPP cũng cấm các nước thành viên tiến hành các bước can thiệp để thao túng tỷ giá.

Là một nước thành viên tham gia Hiệp định TPP, hệ thống chính sách của Việt Nam cũng phải thay đổi theo hướng tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi doanh nghiệp trong nội khối, sự thay đổi này cũng khuyến khích sản xuất trong nước.

Về tỷ giá, Việt Nam sẽ phải có chính sách tỷ giá linh hoạt, hạn chế dần mức độ can thiệp vào tỷ giá. VND có thể lên xuống thất thường so với những đồng tiền khác trong khu vực, mức độ thăng trầm sẽ giảm dần, nhưng các doanh nghiệp sẽ thích ứng với những thay đổi này, đồng thời tận dụng những ưu đãi của Hiệp định để tăng cường năng lực cạnh tranh.

Nếu Việt Nam chủ động và tích cực tham gia Hiệp định TPP, sự phụ thuộc của xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sẽ giảm dần trong tương lai gần, tác động của CNY đối với tình hình kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam cũng giảm dần theo thời gian.

Điều này cũng phù hợp với chủ trương chung của Việt Nam là giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhất định nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.

Theo Ts Hoàng Thế Thỏa

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên