MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa doanh nghiệp công ích để thanh lọc lãnh đạo yếu kém

Theo đó các DNNN thuộc khối dịch vụ đô thị sẽ được triển khai sắp xếp CPH trong năm 2014 và 2015. Hiện nay thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo CHP ở hầu hết các DN.

Trước thực trạng hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp công ích, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Công Bình, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, Phó Trưởng Ban thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp thành phố khẳng định đang khẩn trương cổ phần hóa các doanh nghiệp này.

Ông Bình cho biết: Thực hiện phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015 và sau 2015 đến năm 2020, Hà Nội đã khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch này. Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo số DNNN thực hiện cổ phần hóa (CPH) được đẩy nhanh hơn một bước, tức là thực hiện ngay CPH một số DN từ năm 2014 và phấn đấu trong 2015 sẽ hoàn thành kế hoạch.

Theo đó các DNNN thuộc khối dịch vụ đô thị sẽ được triển khai sắp xếp CPH trong năm 2014 và 2015. Hiện nay thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo CHP ở hầu hết các DN.

Thưa ông, DN công ích đã hoạt động quá lâu theo cơ chế cũ có tính chất bao cấp. Vậy việc CPH có gặp khó khăn, trở ngại?

Đúng là khi CPH DN công ích gặp nhiều khó khăn do tính chất đặc thù của các DN này. Tôi ví dụ như Công ty TNHH MTV Nước sạch, khi xác định tài sản DN đã gặp khó khăn trong định giá hệ thống đường ống truyền dẫn nước do nằm sâu dưới lòng đất. Chúng tôi đang chỉ đạo DN phối hợp với đơn vị tư vấn để xác định chính xác các loại hệ thống truyền dẫn này.

Mục tiêu là sau khi CPH dịch vụ cung cấp nước sạch cho người dân phải tốt hơn, cắt giảm được hao hụt nước, tăng lợi nhuận và đời sống người lao động. Do tính chất đặc thù, chúng tôi dự tính sẽ khó bán cổ phần vì giá bán nước sạch được nhà nước quản lý.DN này không bị thua lỗ nhưng lợi nhuận cũng không cao. Với Công ty TNHH MTV Thoát nước cũng gặp khó khăn do định giá hệ thống đường ống nước thải, hệ thống hạ tầng, trạm xử lý. Sản phẩm đầu ra chỉ có nhà nước đặt mua. Đầu tư cho thoát nước thì lớn mà lợi nhuận lại thấp.


Ông Phạm Công Bình

Vừa qua, HĐND thành phố giám sát đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công ích đã phát hiện nhiều yếu kém, lãng phí. Vậy sau CPH, những hạn chế này liệu có được khắc phục?

“Chắc chắn đi liền với CPH phải sàng lọc nhân sự lãnh đạo và không có chuyện trước đây ông làm lãnh đạo thì sau CPH ông vẫn được làm lãnh đạo vì điều đó do đại hội cổ đông quyết định”

Ông Phạm Công Bình

Các công ty khi CPH thì nhà nước vẫn phải nắm cổ phần chi phối vì đây là lĩnh vực liên quan đến cuộc sống của người dân, an sinh xã hội. Điều tôi khẳng định CPH là một bước tái cấu trúc DN, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị và chuyển hướng sang mô hình năng động hơn.

Từ đơn sở hữu sang đa sở hữu. Chúng tôi cũng dự kiến sẽ khó có nhà đầu tư lớn tham gia và chủ yếu là người lao động trong DN mua cổ phần. Khi đó chính người lao động sẽ tăng cường giám sát, phản biện đối với hoạt động của ban lãnh đạo và từ đó sẽ giảm trì trệ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đi liền với tái cấu trúc DN phải có sự thanh lọc về nhân sự lãnh đạo. Điều này sẽ được thực hiện ra sao đối với các DN công ích?

Một nhiệm vụ quan trọng khi CPH các DN này là phải sàng lọc và cử được người xứng đáng đại diện phần vốn nhà nước tại đây. Chắc chắn đi liền với CPH phải thanh lọc nhân sự lãnh đạo và không có chuyện trước đây ông làm lãnh đạo thì sau CPH ông vẫn được làm lãnh đạo vì điều đó do đại hội cổ đông quyết định. Chắc chắn bộ máy lãnh đạo phải năng động hơn vì nguyên tắc hoạt động của công ty cổ phần khác hẳn DNNN. Người lao động đã có thêm vị thế là nhà đầu tư, thực hiện quyền của cổ đông. Sau này chúng tôi cũng tính đến lộ trình niêm yết trên sàn chứng khoán để kêu gọi vốn, phát triển sản xuất. Tính xã hội hóa vì thế ngày càng mạnh lên, lãnh đạo DN không dễ gì mà thao túng được.

Cảm ơn ông.

>> TP.HCM: 25 doanh nghiệp công ích sẽ được cổ phần hóa

Theo Minh Tuấn

thunm

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên