MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa vẫn quá ì ạch

Trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế rất lớn, các nguồn lực tài chính gặp khó thì sự “đủng đỉnh” trong thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước gây bức xúc cho cơ quan quản lý

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ - ngành, UBND tỉnh - thành trực thuộc trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải báo lộ trình thoái vốn giai đoạn 2016-2020 cho Bộ Tài chính trước ngày 31-1 để cơ quan này tổng hợp báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-3. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo nên vừa có văn bản thúc các đơn vị gửi báo cáo.

Mới đạt 40% kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, năm 2014 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn đã đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm là hơn 25.218 tỉ đồng. Riêng năm 2014, số vốn các đơn vị đã thoái khỏi 5 lĩnh vực trên là 4.257,8 tỉ đồng nhưng lại đầu tư thêm hơn 1.401 tỉ đồng. Khoản đầu tư tăng thêm do các đơn vị ghi nhận cổ tức được chia bằng cổ phiếu, doanh nghiệp (DN) hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài DN tương ứng với số tiền cổ tức được chia.

Về kết quả thực hiện thoái vốn, số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho thấy năm 2015, cả nước đã thoái được 9.924 tỉ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, thu về 15.004 tỉ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 5.506 tỉ đồng, thu về 10.048 tỉ đồng. Bán vốn thuộc các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418 tỉ đồng, thu về 4.956 tỉ đồng. Số vốn đã thoái thuộc 5 lĩnh vực nhạy cảm nói trên mới đạt khoảng 40% tổng số vốn cần phải rút.

Về chất lượng cổ phần hóa (CPH), có đơn vị vượt số lượng nhưng chất lượng sau CPH lại không cao. Đơn cử như trong nông nghiệp, giai đoạn 2011-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sắp xếp, CPH được 16 DN, vượt kế hoạch đề ra 4 đơn vị nhưng theo đánh giá của ban chỉ đạo, chất lượng các DN sau khi CPH chưa cải thiện nhiều. Số vốn do nhà nước nắm giữ tại một số DN sau khi cổ phần, tái cơ cấu vẫn còn lớn, có nơi vốn nhà nước chiếm đến hơn 90%, dẫn đến tình trạng nhiều DN sau khi sắp xếp, đổi mới phương thức hoạt động vẫn làm theo kiểu cũ, hiệu quả chưa cao.

Trước tình trạng này, Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên bức xúc: “CPH DN nhà nước đã thấy rõ lợi ích, thấy rõ cách làm rồi nhưng vẫn không làm được”.

Vốn cho nền kinh tế trở thành thách thức

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng đầu tư cho nền kinh tế giai đoạn 5 năm tới lên đến 10 triệu tỉ đồng nên việc thu xếp vốn cho giai đoạn này là thách thức lớn. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết kênh bơm vốn lớn nhất cho nền kinh tế là thị trường tài chính, cụ thể là thị trường tiền tệ nhưng thị trường này lại chưa hội nhập tương ứng với tốc độ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.

Cụ thể, đối với các nước, quy mô thị trường tài chính thường gấp 6 lần GDP, trong khi ở Việt Nam, quy mô thị trường tài chính chỉ gấp đôi GDP. Trong khi đó, ngân sách nhà nước năm 2016 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. “Cân đối ngân sách là câu chuyện nhiều năm nay. Tuy nhiên, những năm trước trần nợ công vẫn còn, năm 2016 trần nợ công đã chạm ngưỡng 65% GDP. Trong khi đó, bội chi cao nên CPH liều lượng bao nhiêu để hiệu quả là rất quan trọng” - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước nhìn nhận.

Theo Tô Hà

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên