MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nghiệp hỗ trợ: Góc nhìn của người trong cuộc

Chiều ngày 12/5, tại TP.Hải Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Uỷ ban nhân dân TP.Hải Phòng phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT)”.

Ông Trần Văn Quang, Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương: CNHT Việt Nam còn manh mún

CNHT ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, còn manh mún, kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp. Các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta còn rất ít, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu kém; các sản phẩm hỗ trợ của nước ta còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu; nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng…

Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong phát triển CNHT như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan cho ta thấy những vấn đề mà Việt Nam cần học hỏi để phát triển CNHT như: xây dựng mối liên kết chặt chẽ và thông suốt giữa các DN tham gia vào CNHT và công nghiệp lắp ráp, chế tạo; xác định doanh nghiệp hạt nhân; nâng tầm DN sản xuất CNHT là các nhà thầu phụ…

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Quy mô nhỏ của DN là thách thức đối với ngành CNHT

Từ nền kinh tế hàng hóa chuyển sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống các nhà cung cấp chuyên nghiệp nguyên liệu, cụm linh kiện và phụ tùng. Sự phát triển CNHT còn mang tính tự phát. Trình độ công nghệ của DN CNHT Việt Nam so với DN CNHT cùng khu vực ASEAN còn có khoảng cách lớn. Nói cách khác, các nhà cung cấp - DN nhỏ và vừa trong nước thiếu năng lực cung ứng đúng số lượng và chất lượng cần thiết cho các khách hàng mua lớn, các nhà lắp ráp lớn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, là do Việt Nam tập trung nhiều vào gia tăng số lượng DN mới nên bỏ lỡ cơ hội tăng cường năng lực, quy mô cho các DN đang hoạt động. Chỉ có khoảng 2% DN có quy mô vừa, 2% DN có quy mô lớn. DN trong nước gặp khó khăn trong việc di chuyển lên chuỗi giá trị cho nên đã tạo ra hai tầng DN hoạt động tách biệt: DN trong nước và DN FDI.

Giáo sư TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài: Phải đầu tư có trọng điểm

Hiện nay, Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư ưu tiên phát triển một vài loại CNHT quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước Malaysia đã tập trung phát triển điện và điện tử để phục vụ sản xuất trong nước và tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới, năm 2000 chiếm 57% kim ngạch xuất khẩu của nước này. 

Thái Lan khuyến khích FDI vào ngành công nghiệp ô tô, đã thu hút được 17 hãng sản xuất ô tô lớn của thế giới, năm 2012 đạt sản lượng 2,45 triệu chiếc, khoáng ½ để xuất khẩu; 635 nhà cung ứng cấp 1 (chiếm 65%) là doanh nghiệp Thái Lan hoặc liên doanh với nước ngoài với cổ phần chi phối là của người Thái; khoảng 1700 nhà cung ứng cấp 2 là người Thái.

Nước ta có thể đồng thời phát triển CNHT theo hai hướng chính: thứ nhất là sản xuất phụ tùng, linh kiện cho sản phẩm công nghệ cao như của Intel, Samsung, Canon, công nghiệp ô tô, xe máy…. Hướng phát triển này đòi hỏi đầu tư trang thiết bị công nghệ và nguồn nhân lực được đào tạo có kỹ năng đáp ứng đòi hỏi của từng loại sản phẩm; Thứ hai là CNHT ngành may mặc, da giày, công nghiệp chế tạo khác không đòi hỏi cao về công nghệ và kỹ năng lao động nhưng tạo ra hàng triệu việc làm với thu nhập ngày càng tăng. Chiến lược phát triển CNHT quốc gia, của mỗi vùng và từng địa phương phải được hoạch định phù hợp với định hướng chính.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc: CNHT sẽ là một quá trình dài

Chúng ta nên học hỏi các nước đi trước: họ xuất khẩu những gì? Đó là những thứ tinh hoa nhất mà họ đã từng sản xuất hàng trăm năm, như máy bay, xe tăng, ô tô,.. ; Vậy các nước đang phát triển như Việt Nam thì xuất gì? Đó là dầu mỏ, khoáng sản, ti tan, than, lao động phổ thông, nông lâm thủy sản, cá tra, cá basa, tiêu, gạo,… vẫn chỉ là sản phẩm thô. Như vậy, công nghiệp hỗ trợ của chúng ta cũng chỉ là thô. Điều đó cho thấy ngành CNHT của Việt Nam cũng không thể một chốc một lát để phát triển ngay được, chúng ta chưa có điểm trụ để làm nền tảng thì chưa thể nói rằng làm cách nào để đưa ngành CNHT sớm phát triển.

Mỗi DN muốn phát triển lâu dài và bền vững, trước tiên hãy có sự đầu tư về nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Đồng thời, các DN trong nước nên có sự liên kết hợp tác với nhau để sản xuất linh kiện, làm tăng tỷ lệ nội địa hóa và mang lại lợi nhuận cho quốc gia.

Ông Đặng Đình Thịnh, Đại diện Công ty cổ phần sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT: Tìm tiếng nói chung

Hiện nay, công ty đã sản xuất linh kiện phụ tùng xe máy cho các đối tác chính là Honda (từ năm 2011), Piaggio, Yamaha (năm 2014)… Qua quá trình làm việc với các DN sản xuất nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, họ thường yêu cầu đầu vào nguyên liệu rất cao theo các quy chuẩn của họ. Trong khi đa số các DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, để sản xuất được những linh kiện đầu vào đó yêu cầu máy móc phải rất tối tân. Các công ty như Samsung, Honda… họ chỉ nhìn vào thực tế của chúng ta để “đặt hàng”, tức là có máy móc trước sẽ ký hợp đồng. Nhưng người Việt Nam, chỉ khi ký hợp đồng chắc chắn thì mới đầu tư công nghệ.

>>>“Trăn trở” bài toán công nghiệp hỗ trợ

Theo Quỳnh Nga

PV

Báo Công thương

Trở lên trên