MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cùng “thắng” với doanh nghiệp FDI

Đóng góp của khối DN FDI vào thành tích XK chung thời gian qua làm “dấy lên” lo ngại về sự “lấn át” DN có 100% vốn đầu tư trong nước. Tuy nhiên, cách hiểu này theo giới chuyên gia là chưa đầy đủ.

“Đầu tàu” trong gia tăng XK

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XK của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 83,98 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kim ngạch XK của khối DN FDI đạt gần 51,65 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 61,5% tổng trị giá XK của cả nước. 

10 nhóm hàng XK lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng qua phải kể đến (theo thứ tự) là: điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dầu thô; thủy sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; cà phê.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, các DN FDI góp phần cải thiện cơ cấu các mặt hàng XK theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, hàng có hàm lượng công nghệ cao và tích cực tham gia khai thác lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. 

Trong top 10 nhóm hàng XK lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, thành tích XK chủ yếu thuộc về DN FDI. Hiện khối DN này vẫn là "đầu tàu" trong gia tăng XK của Việt Nam. Thêm nữa, các ngành trọng điểm XK là chế biến nông lâm thủy sản, chế tạo lắp ráp, dệt may, da giày vẫn nhận được sự đầu tư lớn của các DN nước ngoài khi Việt Nam ngày càng có lợi thế về nhân công, thị trường và cơ chế thương mại song phương mở rộng.

Tuy nhiên, hiện thực trên cũng cho thấy trong nhiều năm qua, XK của Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào khối DN FDI. Đáng lưu ý, DN FDI thường XK nhiều nhưng cũng NK lắm, khiến thặng dư cán cân thương mại đạt thấp. Hoạt động của DN FDI chủ yếu là sản xuất, kinh doanh dưới hình thức lắp ráp, gia công. 

Đây là nguyên nhân khiến cho hàng hóa của Việt Nam XK nhiều nhưng giá trị gia tăng không cao. Chỉ ra lý do dẫn đến tình trạng này, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam là do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, sản xuất công nghiệp vẫn phụ thuộc rất lớn vào NK nguyên phụ liệu đầu vào.

Đúng nhưng chưa đủ

Với đóng góp không nhỏ vào thành tích XK chung, nhiều người tỏ ra lo ngại về sự lấn lướt của khối DN này trong sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên có cái nhìn khác về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: "Bài toán XK, chúng ta đừng nói chỉ 1 câu "DN FDI XK chiếm 65%, DN Việt 35%". Nói như vậy là đúng nhưng chưa đủ".

Ông Thành phân tích, XK nào cũng sản xuất trong "hình chữ S" (lãnh thổ Việt Nam - PV), vấn đề là giá trị gia tăng cho "hình chữ S" cao hay thấp và sự chia sẻ lợi ích giá trị gia tăng đó. Ví dụ, nếu sản phẩm cuối cùng là DN FDI XK nhưng cả quá trình ấy có phần giá trị gia tăng đặc biệt của DN nhỏ và vừa Việt Nam thì điều ấy cũng tốt. 

DN Việt tham gia quá trình đó để tạo giá trị gia tăng cao cho đất nước và giá trị gia tăng ấy được chia sẻ nhiều hơn cho người Việt. “Trong thế giới hiện nay, chúng ta đừng hy vọng (hy vọng duy ý chí) có thể làm hết bởi trình độ của chúng ta có cải thiện cũng phải dần dần, không thể trong một đêm”, ông Thành nói. 

Mặt khác, cũng theo vị chuyên gia này, chúng ta cần phải nhìn sâu hơn bởi quá trình sản xuất hiện nay là chuỗi sản xuất, là mạng sản xuất, rất có thể một DN Việt cung ứng cho DN FDI và ngược lại là chuyện bình thường. Đây mới là cách hiểu đầy đủ.

Điều lo ngại của ông Thành nằm việc thu hút FDI. Khi Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, FDI là điều kiện cần nhưng không phải điều kiện đủ cho phát triển nền kinh tế. Trong một cuộc hội thảo gần đây, ông Thành đã nói rõ: "FDI không phải vào để làm từ thiện, họ đầu tư 1 đồng về lâu dài họ phải được lợi lớn hơn con số đầu tư, rõ ràng cái họ sẽ lấy đi nhiều hơn cái họ đầu tư vào”.

Theo ông Thành, FDI vào Việt Nam ngoài việc tạo ra công ăn việc làm thì thắng lợi lớn nhất là sức lan tỏa của FDI về công nghệ, kỹ năng, gắn với con người đất nước. Song vế thứ hai, tức sự lan tỏa của FDI, chúng ta làm chưa tốt. Vậy nên điều quan trọng là việc thu hút FDI trong thời gian tiếp theo phải có chọn lọc và có cách nhìn khác, tức là DN FDI không chỉ còn là sản xuất và XK mà bây giờ DN FDI tạo ra cụm, chuỗi, mạng sản xuất để DN Việt Nam tham gia vào mạng này.

Theo Diệp Anh

cucpth

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên