MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuối năm, nhiều ngành công nghiệp phát triển khả quan

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo tình hình phát triển công nghiệp tháng 11 và 11 tháng năm 2014.

Theo đó, đối với ngành dầu khí, trong tháng 11 và 11 tháng năm 2014, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của ngành dầu khí tiếp tục ổn định. 

Tăng trưởng sản lượng một số sản phẩm chính như sau: dầu thô khai thác tháng 11 ước đạt 1,7 triệu tấn, tăng 22,3% so với cùng kỳ, tính chung 11 tháng ước đạt 15,9 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ; sản lượng khí đốt thiên nhiên tháng 11 ước đạt 0,9 tỷ m3; tăng 24% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng đầu năm, sản lượng khí đốt đạt 9,3 tỷ m3; tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Sản lượng khí hóa lỏng (LPG) tháng 11 ước đạt 55,6 nghìn tấn; bằng 89,6% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, sản lượng khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 594,5 nghìn tấn; bằng 92,5% so với cùng kỳ. 

Xăng dầu các loại tháng 11 ước đạt 531 nghìn tấn, bằng 97,4% so với cùng kỳ 2013, tính chung 11 tháng đầu năm ước đạt 5.171 nghìn tấn, bằng 85,5% so với cùng kỳ.

Đối với ngành Than và Khoáng sản: Tháng 11, than sạch khai thác của toàn ngành ước đạt 3,8 triệu tấn, 11 tháng đầu năm, sản lượng than sạch ước đạt 36,6 triệu tấn, bằng 87,2% kế hoạch năm và tương đương cùng kỳ năm 2013. 

Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã nỗ lực duy trì sản xuất ổn định, tích cực đầu tư chuẩn bị cho nhu cầu than tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là than cho sản xuất điện, than sạch sản xuất trong tháng 11 của Tập đoàn ước đạt 3,5 triệu tấn, 11 tháng ước đạt 32 triệu tấn, bằng 93,6% so với kế hoạch năm và tăng 0,6% so với cùng kỳ. Than sạch tiêu thụ tháng 11 ước đạt 2,3 triệu tấn và 11 tháng năm 2014 ước đạt 32,8 triệu tấn, bằng 93,7% kế hoạch năm và tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, than xuất khẩu đạt 5,5 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ; than tiêu thụ nội địa đạt 27,3 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ.

Ngành cơ khí, điện, điện tử: Bộ Công Thương nhận định tình hình tiêu thụ một số sản phẩm của ngành (thiết bị điện tử, điện lạnh…) vẫn chậm; tiêu thụ của ngành sản xuất môtô, xe máy giảm, do đó chỉ số tồn kho đối với xe máy tính đến tháng 11 đã tăng 55,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng ôtô 11 tháng đầu năm ước đạt 114,5 nghìn cái; tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành Dệt may : Tính chung 11 tháng so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 299,2 triệu m2; tăng 15,8%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 665,8 triệu m2; tăng 5,6%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt 2,73 tỷ cái; tăng 10,3%. 

Xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng khá. Tính chung 11 tháng so với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 19,18 tỷ USD; tăng 18,2%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,3 tỷ USD; tăng 19,2%. 

Hiện nay, theo định hướng chung của ngành là không phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hướng sang các nguồn cung khác từ khối các nước ASEAN và đặc biệt là Ấn Độ. Bên cạnh việc xúc tiến thương mại từ cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Ấn Độ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực dệt nhuộm hoàn tất.

Ngành Da giầy: Tính chung 11 tháng ước đạt 228 triệu đôi; tăng 20,0% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 11 tháng ước đạt 9,2 tỷ USD; tăng 23% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu túi xách, va li, ô dù của Việt Nam trong tháng 11 năm 2014 đạt 210 triệu USD, tính chung 11 tháng đạt trên 2,3 tỷ USD; tăng 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh chủ yếu do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp trong nước chủ yếu là gia công. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia sản xuất, đa dạng nguồn cung nguyên liệu nhằm tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại, đồng thời cần có chiến lược nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. 

Ngành Thuốc lá: Sản lượng thuốc lá bao các loại tháng 11 năm 2014 ước đạt 384 triệu bao, tăng 1,1% so với tháng trước nhưng giảm 19,2% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng ước đạt gần 3,85 tỷ bao; giảm 13,1% so với cùng kỳ. Hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành đang tập trung nguyên liệu, tiến hành sản xuất phục vụ dịp lễ tết sắp đến. 

Ngành Bia, rượu, nước giải khát: Sản lượng sản xuất bia các loại tháng 11 ước đạt 278,6 triệu lít, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, sản xuất bia các loại ước đạt trên 2,8 tỷ lít, tăng 7,4% so với cùng kỳ. 

Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu thực hiện các chương trình khuyến mại chào đón năm mới nhằm tăng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các doanh nghiệp trong ngành rượu cũng đang đẩy mạnh sản xuất để gia tăng lượng dự trữ chuẩn bị cho dịp tết sắp tới. 

Tháng 11: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất 9 tháng

Hướng Dương

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên