MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Da giày xuất sang EU: "Bánh ngon" FTA về tay khối ngoại

Chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, các DN đầu tư nước ngoài đang được xem là có nhiều lợi thế để tận dụng cơ hội vàng mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU mang lại.

Nội dung nổi bật:

- Xuất khẩu da giày sang EU sẽ rộng cửa hơn nhờ FTA do ngành đã đáp ứng khá tốt yêu cầu về quy tắc xuất xứ khi đạt tỷ lệ nội địa hóa lên tới 55%.

- Song có tới 75% kim ngạch xuất khẩu do khối DN FDI mang lại, cuộc chơi FTA với EU được nhận định sẽ dành cho những ông lớn nước ngoài.

- Tăng cường tính liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm là bài toán mà DN da giày nội địa làm gia công cần tính đến để tận dụng tốt hơn FTA.


Cũng giống như dệt may, các sản phẩm giày dép xuất sang EU sẽ được hưởng mức thuế về 0% trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Tuy nhiên, nếu như dệt may gặp khó bởi quy tắc xuất xứ từ vải, thì những yêu cầu của EU trong FTA lại giúp cho da giày rộng cửa hơn. Bởi theo thông tin của bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO): quy tắc xuất xứ của EU không ngặt nghèo lắm với da giày.

Không đáng lo về quy tắc xuất xứ

Cụ thể, những quy định về quy tắc xuất xứ trong FTA không thay đổi nhiều so với yêu cầu của Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà EU đưa ra trước đó. Hiện ngành da giày đã có thể đảm bảo đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ trên 40% cho các sản phẩm xuất khẩu vào EU, khi tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đã đáp ứng 55 – 55%.

“Mặc dù ngành vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, song xuất khẩu sang EU cũng không bị vướng nhiều. Vì mức của họ đưa ra là vừa phải, các DN cũng cân đối được nguồn nhập khẩu và có thể đáp ứng được các tiêu chí của EU” - Bà Xuân cho biết.

Do đó, ngay khi GSP có hiệu lực, các DN đã tận dụng ưu đãi thuế quan để gia tăng kim ngạch vào thị trường này. Dẫn chứng, trong năm 2014 Việt Nam đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu sang EU, đạt 4,88%, tăng đến 20,59%. - là mức kim ngạch cao nhất của nước ta trong giai đoạn 2010 – 2014.

Khi FTA với EU cơ bản kết thúc đàm phán, xuất khẩu giày dép sang thị trường này đánh giá là sẽ có nhiều “cơ hội vàng” với lộ trình giảm thuế về 0% (mức thuế GSP là 3,5%). Theo đại diện LEFASO, FTA sẽ đảm bảo sự ổn định cho xuất khẩu da giày vào EU được bền vững hơn.

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh ngành da giày hiện có khoảng trên 800 DN, mặc dù DN FDI chỉ chiếm 25% về số lượng, song lại chiếm tới trên 75% về kim ngạch xuất khẩu. Các DN nhỏ trong nước chủ yếu chuyển sang sản xuất hàng nội địa, nhường thị trường xuất khẩu hoặc làm gia công cho DN FDI.

Cuộc chơi dành cho ông lớn

Ngay cả khi FTA với EU đã cơ bản kết thúc đàm phán, giúp DN tăng đơn hàng xuất khẩu, bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, cũng cho rằng việc tận dụng được cơ hội từ FTA hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

“Không phải cứ có lợi thế từ hiệp định thương mại là đẩy nhanh khối lượng hàng xuất khẩu vào EU. Hiện đồng USD tăng giá nên giá bán tại EU bị tăng cao, người dân tiêu thụ ít lại, lượng đơn đặt hàng giảm đi”, bà Liên cho biết.

Chưa kể, việc chỉ làm hàng gia công cho các nhà nhập khẩu cũng khiến cho các DN nội càng không mấy hứng khởi khi có FTA với EU. Theo phân tích đại diện DN trên, giá trị trung bình mà DN gia công thu về chỉ khoảng 5 – 7%.

Do đó, ngay cả khi có FTA với EU, đơn hàng tăng lên thì giá cả cũng không tăng lên được và DN chỉ được hưởng lợi nhuận ở mức độ nhất định. Phần lớn các lợi ích, phần "ngon" nhất mà FTA mang lại đều rơi vào các DN FDI hoặc các nhà nhập khẩu, phân phối.

Cũng theo bà Xuân, khi mở cửa thị trường sẽ không phân biệt DN FDI hay DN nội địa, vì bất cứ DN nào cũng được hưởng lợi từ Hiệp định. Tuy nhiên, cuộc chơi chỉ dành cho những DN đáp ứng được tốt các tiêu chí và yêu cầu của thị trường.

“DN vừa và nhỏ vẫn quen cách làm ở trong điều kiện phạm vi hẹp. Giờ ra biển lớn thì phải thay đổi điều kiện, phải có con tàu tốt hơn, năng lực tốt hơn thì DN mới đáp ứng đượ. Chú trọng vào yếu tố con người, khả năng nắm bắt thông tin, năng lực triển khai các công việc, nâng cao tính đoàn kết của DN” - đại diện Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam khuyến cáo.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên