MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Da giày “yên tâm” hơn về quy tắc xuất xứ

Về lý thuyết, da giày là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, với nguồn lực còn nhiều hạn chế như hiện nay, ngành này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có các quy định về quy tắc xuất xứ.

Tạm đáp ứng

Theo thống kê của Hiệp hội Da- giầy- túi xách Việt Nam (LEFASO), giá nguyên vật liệu cho ngành da giày chiếm tới hơn 50% tổng giá thành sản phẩm. Trong thời gian qua, tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu sản xuất trong nước đã đáp ứng được trên 50% nhu cầu của DN sản xuất, giúp ngành công nghiệp trong nước tham gia được 25-35% trong giá thành sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM, xét tổng thể, tùy loại sản phẩm mà tỷ lệ nội địa hóa khác nhau. Nếu là giày cao su, giày vải, hoặc giày dép nhựa…, với nguồn cung dồi dào, đạt chất lượng khá, tỷ lệ nguyên phụ liệu trong nước lên tới 60-80%. Nhưng nếu là mặt hàng giày da, sản phẩm da giày cao cấp, tỷ lệ này rất thấp, chỉ vào khoảng 25-30%. Tuy vậy, với tỷ lệ trên, ngành da giày Việt Nam đã lạc quan hơn về cơ sở, điều kiện để đáp ứng được quy tắc nguồn gốc xuất xứ từ các quy định trong FTA.

Chia sẻ về hướng đi của DN, ông Võ Hoàng Quốc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại giày Đất Việt cho hay, tùy từng đơn hàng mà DN cần đến nguồn gốc nguyên phụ liệu khác nhau. Nếu là đơn hàng cao cấp, phía đối tác sẽ chỉ định NK của nước ngoài hoặc DN phải tự liên hệ để tìm nguồn hàng chất lượng cao. Còn nếu đơn hàng yêu cầu chất lượng vừa phải, tầm trung bình, nguồn nguyên phụ liệu đã được DN nội địa hóa lên đến hơn 80%. Điều đáng nói, thị trường XK của DN đa phần ở châu Âu, Nhật Bản với nhiều điều kiện khắt khe, nhưng sản phẩm của Việt Nam vẫn được chấp nhận dù đạt tỷ lệ nội địa hóa cao.

Nhìn chung, nhiều DN ngành da giày đều đã thực hiện và bày tỏ mong muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Bởi theo các DN này, tiêu biểu như trong quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu không cung ứng được từ nội địa, DN phải NK từ Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai quốc gia này có nguồn nguyên liệu chất lượng cao nhưng giá thành rất cao nên buộc DN phải tìm ra biện pháp chuyển hướng nội địa hóa, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, chủ cơ sở Giày dép Quỳnh Châu, hiện nhiều DN trong nước đã tích cực tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc nên sẽ sản xuất được nguồn nguyên phụ liệu chất lượng cao trong thời gian tới. Hơn nữa, từ một vài năm trở lại đây, để đón sóng FTA, nhiều DN ngành da giày lớn của nước ngoài đã đến Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy hiện đại nên đã giúp ích nhiều hơn cho DN trong nước về nguyên phụ liệu.

Cần nhiều hơn

Chính vì những thuận lợi từ việc nội địa hóa nguồn nguyên phụ liệu, để tăng khả năng cung ứng cho sản xuất da giày, ông Võ Hoàng Quốc Quang chia sẻ, DN đã từng đề nghị liên kết, hợp tác với một số DN sản xuất nguyên phụ liệu tại địa phương, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được sự hợp tác như kỳ vọng. Trong khi, với thực trạng ngành da giày tuy có số lượng DN lớn nhưng đa phần là DN, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên nếu biết liên kết hợp tác thì sẽ có nhiều thuận lợi hơn, bước đầu tạo được chuỗi cung ứng cho sản xuất da giày.

Cùng với mong muốn trên, ông Nguyễn Văn Khánh cho hay, việc Chính phủ ra Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ vào cuối năm 2015 tuy muộn nhưng “có còn hơn không”, vì không chỉ ngành da giày và nhiều ngành khác cũng cần đến ngành công nghiệp này. Đặc biệt, nhiều dự án phát triển cho DN da giày gặp nhiều vướng mắc từ địa phương nên cần sự chung tay, vào cuộc từ Chính phủ.

Ông Khánh lấy ví dụ về việc phát triển vùng công nghiệp cho ngành thuộc da. Theo ông Khánh, hiện có đến hơn 50% DN sản xuất sản phẩm từ da, đây cũng là sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều loại sản phẩm khác, trong khi đó, nguồn da thuộc tại Việt Nam vẫn phải NK quá nhiều. Tuy vậy, các DN từ nhỏ đến lớn đều chưa mặn mà với ngành công nghiệp này do chưa có đề án quy hoạch nào cụ thể để bắt đầu từ việc chăn nuôi lợn, bò sao cho đúng quy trình, lấy da đúng cách... Hơn nữa, tiêu chuẩn của nước ta về môi trường đối với lĩnh vực thuộc da cao hơn một số nước trong khu vực nên chi phí đầu tư cao, giá thành sản xuất sẽ cao hơn cộng với yếu tố không được chính quyền địa phương cam kết lâu dài nên DN rất ngại bỏ vốn đầu tư.

Do đó, ông Khánh đề xuất Nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng quy hoạch vùng cho công nghiệp sản xuất, vùng nguyên liệu và dành diện tích thành lập các khu– cụm công nghiệp da giày để tập trung nhiều DN, cùng với điều kiện mức độ cam kết lên đến 30-40 năm giúp DN có thêm thời gian thu hồi vốn và làm ăn có lãi.

Theo Hương Dịu

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên