MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Đầu tư vào nông nghiệp chỉ mình các "đại gia" thôi sẽ không đủ

DN đang cần thể chế chính trị ổn định, môi trường đầu tư phải thông thoáng và thủ tục hành chính phải đơn giản hoá. Công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng nguồn nhân lực ở vùng đầu tư phải nâng lên. Đặc biệt cần sự hậu thuẫn của Nhà nước trong cơ chế chính sách, hỗ trợ về vốn để DN tham gia đầu tư.

Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cho rằng, một quốc gia có mạnh thì phải có nhiều doanh nghiệp. Mà muốn DN mạnh thì phải có thương hiệu mạnh. Thương hiệu mạnh thì làm cho quốc gia mạnh. Ví dụ nói Toyota là nghĩ đến Nhật, nói Cocacola là nghĩ đến Mỹ, nói đến Mercedes là nghĩ đến Đức. Rõ ràng thương hiệu mạnh làm cho cả quốc gia mạnh.

Chúng ta đã hội nhập sâu rộng rồi, tiến tới là hội nhập sâu toàn cầu khi tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì chúng ta phải tìm cách thúc đẩy cho DN mạnh, có thương hiệu mạnh, tập trung vào hai lĩnh vực là công nghiệp và nông nghiệp.

Đối với công nhiệp, phải phát triển có trọng tâm, có định hướng. Các DN cũng phải có ý thức trong lĩnh vực này. Chúng ta đã có một số DN lớn thì phải tập trung nâng cao trình độ, đẩy mạnh mô hình quản trị. Cần xác định DN không còn là manh mún , nhỏ lẻ nữa mà giờ đã gia nhập ra sân chơi toàn cầu thì phải học hỏi các DN, tập đoàn lớn.

Đối với nông nghiệp, cần có chiến lược để hạn chế nhập khẩu những sản phẩm trong nước có thể sản xuất được. Một đất nước nông nghiệp nhưng phải đi nhập từ nước ngoài rất nhiều sản phẩm nông sản, chỉ vì giá thành nhập vào Việt Nam rẻ hơn giá sản xuât trong nước. Lợi thế nông nghiệp của ta rất lớn, nhưng cần có chủ trương, định hướng rõ trong việc phát triển nông nghiệp, theo hướng vào hiện địa hoá, công nghiệp hoá.

Để phát triển các ngành trên, rõ ràng chúng ta phải có cơ chế chính sách phù hợp. Ví dụ, giờ muốn đầu tư vào nông nghiệp thì phải có công nghiệp chế biến, phải có nhà máy, dự án. Nhưng muốn có dự án thì phải có cơ chế hấp dẫn các DN mới đầu tư. DN thì luôn tính đến hiệu quả trong kinh doanh, nên cần phải có chính sách về thuế, giải phóng mặt bằng, cấp đất, thủ tục hành chính… tức là phải tạo môi trường thông thoáng nhất thì DN mới mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Theo ông thách thức lớn nhất trong hội nhập nhìn từ góc độ phát triển của DN tư nhân là gì?

Các DN rõ ràng nhìn thấy một áp lực rất lớn trên vai, vấn đề là làm thế nào để DN có thể tồn tại, phát triển, cạnh tranh khi mà có tới hơn 90% là DN nhỏ và vừa. Những DN nhỏ phải tìm cách vươn lên bằng chính sách lực, trí tuệ và khả năng của mình thông qua việc đưa ra những ý tưởng kinh doanh, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chiến lược phát triển và từ việc liên doanh liên kết với nhau tạo nên sức mạnh.

Hội nhập giúp chúng ta có thể xuất khẩu hàng hoá ra nhiều quốc gia trên thế giới, hoặc mời các nhà đầu tư vào cùng đầu tư, học hỏi cách quản trị của các DN lớn. DN cũng có thể liên doanh, liên kết, tiếp xúc để hướng tới mô hình quản lý tốt, có thể phát triển đa ngành nghề… Nhưng thách thức, đó là chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh lớn trên phương diện toàn cầu. Rõ ràng anh nào có lợi thế sản phẩm tốt, giá thành hạ, mẫu mã đẹp, marketing tốt thì mới tồn tại, cạnh tranh được.

Điều quan trọng nhất là phải chiến thắng ngay trên sân nhà, phải xây dựng thương hiệu một cách mạnh mẽ, trên sân nhà mà không thắng thì ra ngoài làm sao mà bơi được ra biển lớn. Trong hội nhập chúng ta cũng phải chấp nhận cả thành công và thất bại, cũng sẽ có nhiều DN rất mạnh nhưng cũng có DN không thể tốn tại được thế nhưng không còn cách nào khác, toàn cầu hoá rồi thì nhiều khi phải chấp nhận thôi.

Ông đánh giá thế nào về xu hướng các ông lớn đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian gần đây?

Tôi rất mừng vì đã có nhiều DN, doanh nhân, nhà đầu tư đã đầu tư nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như FPT, Hoà Phát, Hoàng Anh Gia Lai… Các tập đoàn này đã nhìn thấy chiến lược và tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam, có nhiều lợi thế, tiềm năng.

Tuy nhiên để các ý tưởng của các DN, nhà đầu tư thành công thì bên cạnh ý tưởng sáng tạo cũng cần có sự vào cuộc tích cực của Đảng, Nhà nước. Tức là phải đưa ra những cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển tốt hơn, tạo động lực để DN nâng cao hiệu quả đầu tư, thì họ mới mặn mà, hăng hái

Theo ông các nhà đầu tư vào nông nghiệp nói riêng và các nhà đầu tư tư nhân đang cần gì trong điều kiện hiện nay?

DN đang cần thể chế chính trị ổn định, môi trường đầu tư phải thông thoáng và thủ tục hành chính phải đơn giản hoá. Công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng nguồn nhân lực ở vùng đầu tư phải nâng lên. Đặc biệt cần sự hậu thuẫn của Nhà nước trong cơ chế chính sách, hỗ trợ về vốn để DN tham gia đầu tư.

Do đó, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương vào cuộc tích cực hơn để nhà đầu tư không phải lo lắng đến thủ tục hành chính, rút ngắn giải phóng mặt bằng để rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đã đến lúc nhà đầu tư và chính quyền địa phương cùng ngồi cùng bàn với nhau để đưa ra những mục tiêu, chiến lược tốt nhất giúp cho các nhà đầu tư không còn băn khoăn, lo lắng gì về quá trình đầu tư. Bởi nhà đầu tư đã yên tâm là đứng sau họ có cơ quan chính quyềh địa phương ủng hộ. Muốn vậy phải thay đổi quan điểm một cách tích cực từ địa phương, thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ tham gia bỏ vốn vào.

Xin cảm ơn ông!

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên