MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm: Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không xin cho

Đánh giá về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng về cơ bản đã thể hiện được theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Nhiệt tình đóng góp ý kiến trong các buổi thảo luận ở tổ, không bao giờ nề hà, né tránh sự "đeo bám” của các phóng viên theo dõi Quốc hội, Đại biểu Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuy ở tuổi ngoài 70 đang chứng tỏ độ "cay” của "gừng già”. Ngoài chức danh Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, mới đây nhất ông vừa đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank. Đánh giá về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, ông cho rằng về cơ bản đã thể hiện được theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có những tiến bộ quan trọng

PV: Thưa ông, Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 được coi như đã "cởi trói” cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Đến năm 2005, việc Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp Việt Nam hợp nhất hai bộ luật là Luật Doanh nghiệp 1999 (được hiểu là áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân) và Luật Quản lý doanh nghiệp nhà nước 2003, lại là một bước tiến mới xoá bỏ sự phân biệt, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy sau gần 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005 vẫn còn những lỗ hổng. Vậy ở lần sửa đổi này, ông có thấy những thiếu hụt trước đó được giải quyết cơ bản chưa?

Ông Cao Sĩ Kiêm: So với các lần trước, lần này tôi thấy dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có 3 cái tiến bộ.

Tiến bộ lớn nhất là kiên quyết, kiên trì triển khai tinh thần Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh của công dân. Công dân được làm những điều pháp luật không cấm. Tuy nhiên, để Luật có khả năng thực thi thì phải rõ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Những ngành cấm kinh doanh thì rõ rồi: như buôn bán người, vũ khí, ma tuý… Nhưng còn những ngành kinh doanh phải có điều kiện là những ngành gì, phải công bố rõ ràng, minh bạch.



Ông Cao Sĩ Kiêm

Tiến bộ thứ hai là bản dự thảo lần này thể hiện rất rõ tinh thần giảm chi phí, thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp để tạo nên sự tự chủ, khai thác năng lực và khả năng sáng tạo trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiến bộ thứ ba là tinh thần Luật đã hướng vào hội nhập, đặc biệt là chuẩn bị cho Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện nay chúng ta đang tiếp tục tổng kết hội nhập WTO, chuẩn bị cho TPP. Bộ phận phải đối phó, phải chuyển biến đầu tiên, phải tháo gỡ đầu tiên, phải chuẩn bị đầu tiên để đón TPP chính là doanh nghiệp.

Đó là 3 nội dung rất lớn được thể hiện ngày càng rõ hơn, nếu Quốc hội lần này thông qua sẽ giải quyết được cơ bản những tồn tại trước mắt cũng như hướng tới lâu dài, đảm bảo có đủ những điều kiện để chúng ta thực hiện hội nhập hôm nay và cho tương lai. Tất nhiên, còn phải trông chờ vào việc cụ thể hóa Luật và khả năng triển khai nữa. Nhưng dù sao về phương diện làm Luật đã có những tiến bộ như vậy.

Nhanh chóng công bố rõ những ngành kinh doanh có điều kiện

Thưa ông, những ngành kinh doanh có điều kiện được quy định tuỳ từng thời điểm, thời kỳ, vì thế không thể kê ra trong Luật khung. Vậy làm thế nào để có thể công khai, minh bạch?

- Những ngành kinh doanh có điều kiện thì có cái hôm nay quy định, ngày mai có thể được bỏ. Muốn khuyến khích cái gì, nâng đỡ ngành gì, phát triển theo một mô hình kinh doanh kiểu nào được quyết định theo từng thời điểm, mà chúng ta có thể đặt điều kiện cho doanh nghiệp được kinh doanh hay không được kinh doanh. Cho nên rất khó.

Nhưng để Luật có thể thực thi phải nhanh chóng làm rõ hơn các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật. Rồi sau đó, các ngành, các địa phương phải hình thành danh sách các ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện, công bố kịp thời và tuyên truyền rộng rãi để giảm phiền hà, thực hiện một cách nghiêm túc nội dung Hiến pháp: Quyền tự do kinh doanh của công dân, được làm những gì pháp luật không cấm.

Đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, không ưu đãi, không xin cho

Thưa ông, còn có những ý kiến khác nhau về việc trong dự thảo Luật vẫn có hẳn một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước, điều này có phải vẫn thể hiện sự phân biệt giữa nhà nước và tư nhân, và chưa thể hiện được điều chúng ta đã rất phấn đấu trong nhiều năm qua là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng?

- Luật Doanh nghiệp là luật khung, áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp ở các khu vực kinh tế khác nhau: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc để riêng 1 chương về doanh nghiệp nhà nước đúng là đang có 2 luồng ý kiến khác nhau, chưa thống nhất. Một bên, nhiều người lo ngại rằng điều đó lại chứng tỏ sự ưu tiên chiếu cố riêng cho doanh nghiệp nhà nước? Nếu như vậy thì mất đi công lao của quá trình đổi mới từ trước tới giờ là đã gộp 2 Luật vào thành Luật Doanh nghiệp, đã thể hiện rõ tính chung.

Bây giờ lại tách thành 1 chương riêng. Một bên ý kiến cho là cần thiết có chương riêng về doanh nghiệp nhà nước thì căn cứ vào một thực tế là trong thành phần kinh tế hiện nay doanh nghiệp nhà nước vẫn có vị trí quan trọng và việc quản lý vốn nhà nước cần phải có những điều khoản riêng.

Ý kiến của riêng tôi là chúng ta nên hài hòa. Có thể vẫn cần có một chương cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng trong thiết kế điều khoản hoặc nghị định hướng dẫn thực hiện nên chú ý để đảm bảo bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, doanh nghiệp nào cũng thế, có chính sách như nhau, điều kiện như nhau, không có gì ưu đãi, xin cho gì ở đây cả.

Đây là luật chung, định hướng chung để khỏi chồng chéo, trùng lắp những nội dung về quản trị doanh nghiệp nhà nước vì có đặc thù riêng, chúng ta nên đưa sang luật khác, ví dụ Luật Ngân sách hoặc Luật Quản lý vốn nhà nước. Như vậy, vẫn đảm bảo Luật Doanh nghiệp có nội dung chung, bình đẳng giữa các doanh nghiệp mà vẫn thực hiện được kiểm soát doanh nghiệp nhà nước. Chưa kể, hiện nay còn phát sinh loại doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối, nó không thể là doanh nghiệp nhà nước vì nó được quản trị theo kiểu công ty cổ phần, vậy quyền lợi phân bổ, lương bổng chi phí thế nào là cả một vấn đề?!

Tổng kết thực tiễn để sửa Luật

Trong thực tế thời gian qua, nhiều vụ sai phạm kinh tế và những vụ án đang xét xử gần đây cũng đang cho thấy những kẽ hở pháp luật, thưa ông?

- Những tồn tại sơ hở xảy ra trong thời gian qua mà các cơ quan tư pháp phát hiện có biểu hiện về mặt luật pháp, cơ chế chính sách. Phải nên đưa vào để giải quyết bằng luật lệ và cơ chế, nhất là trong lần sửa đổi này. Từ tổng kết thực tiễn để sửa luật, những nội dung ấy trong định hướng chung của lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp cũng đã có đề ra, tất nhiên còn có những luật chuyên ngành như Luật Chứng khoán, Luật Bất động sản, Luật Quản lý vốn…và đặc biệt là các hướng dẫn cụ thể hóa để triển khai.

Xây dựng lại chiến lược kinh tế, tạo hành lang pháp lý để khai thác hết tiềm năng doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ông có nói đến việc phải chủ động đón TPP, theo ông, phải làm gì để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đủ mạnh, đủ khả năng tránh lệ thuộc vào nền kinh tế nước ngoài, cụ thể là thị trường Trung Quốc?

- Phải có chiến lược kinh doanh mới, cả trong xuất khẩu, nhập khẩu, trong tổ chức thị trường trong nước, trong hướng tiêu dùng trong nước và sử dụng nguyên liệu trong nước... Đó là một yêu cầu đổi mới, một nội dung phải làm thường xuyên trong điều kiện hội nhập. Chứ chưa nói đến tình hình đặc biệt hiện nay là diễn biến của Biển Đông. Diễn biến Biển Đông tác động đến kinh tế về nhiều mặt. Có những cái chúng ta phải chấp nhận và khắc phục.

Nhưng có những cái thuận lợi chúng ta phải khai thác tối đa. Xây dựng lại chiến lược kinh tế, ổn định thị trường, phát triển thị trường, đi vào chế biến, đi vào khoa học công nghệ, giải quyết những vấn đề mắc trong thể chế… đó là những nội dung chúng ta cần phải làm, để thích nghi và đối phó với diễn biến tình hình và những nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi một cách thành công.

Trong đó, cụ thể là cần chú trọng giải quyết những vướng mắc gì về thể chế, về hành lang pháp lý để nâng cao "thể trạng” doanh nghiệp?

- Có 3 vấn đề để doanh nghiệp vươn lên hội nhập và đáp ứng với tình hình hiện nay. Thứ nhất, là môi trường pháp lý phải hoàn chỉnh hơn nữa, sửa chữa nhanh và kịp thời để khai thác nội sinh trong nước cũng như hội nhập bên ngoài. Thứ hai là phát triển khoa học công nghệ, nhất là chế biến. Thứ ba, đặc biệt là trong lĩnh vực vừa khó, vừa đang có tiềm năng cả về ngân sách, cả về lao động, cả về ổn định xã hội là chưa khai thác hết tiềm năng của nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân.

Trong lúc này, nền tảng rất quan trọng giúp ổn định nhiều mặt là khai thác sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là lĩnh vực giải quyết được sự yên ổn ở cơ sở. Giải quyết được nguồn lao động, tức là vấn đề đời sống ở cơ sở. Giải quyết được vấn đề đóng góp ngân sách tạo ra hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, xóa đói giảm nghèo.

Bây giờ phải đầu tư mạnh vốn hơn nữa, tập trung vào khâu chế biến, khâu phân phối sản phẩm, tạo ra thị trường tiêu thụ, giải quyết nợ xấu, tồn kho để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn. Có như vậy mới giải quyết được thị trường nông sản và tăng sức mạnh của khu vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Cẩm Thuý

cucpth

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên