MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đài Loan đón đầu TPP tại Việt Nam

Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương, thấy được các cơ hội nên nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã có chiến lược đầu tư.

Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian dài, Đài Loan giữ vị trí dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam nhưng những năm gần đây lại có phần sụt giảm. Nguyên nhân do đâu?

Giao lưu thương mại Việt Nam - Đài Loan tại TP HCM hôm 3-10 Ảnh: SAN SAN
- Ông Tăng Hiểu Minh,Trưởng Phòng Kinh tế - Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM:

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Đài Loan xếp thứ ba về đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Nhật và Singapore. Tính lũy kế từ năm 1988 đến tháng 9-2013, Đài Loan đã đầu tư 2.262 dự án tại Việt Nam với tổng vốn là 27,5 tỉ USD. Chín tháng đầu năm 2013, có 41 dự án với tổng vốn 28,6 triệu USD. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là gia công chế biến và sản xuất chế tạo, trong đó các ngành dệt may, công nghiệp da giày, mộc gia dụng chiếm tỉ trọng cao (khoảng 78%). Những năm gần đây cũng có một số dự án đầu tư công nghệ cao như Tập đoàn Hồng Hải Foxconn sản xuất linh kiện điện thoại cầm tay, Công ty Wintek sản xuất thiết bị ngoại vi máy tính...

Thời gian qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) Đài Loan gặp khó khăn. Ngoài ra, môi trường đầu tư Việt Nam thay đổi đã ảnh hưởng đến đầu tư không những của DN Đài Loan mà còn của các nước khác.

Pháp luật, các chính sách, quy định về thuế, bảo vệ môi trường còn chưa rõ ràng là những thách thức lớn đối với các nhà đầu tư. Song song đó, hạ tầng kỹ thuật còn thấp, chi phí logistic cao cũng là điểm nhà đầu tư ngán ngại. Nhà đầu tư cũng than phiền chi phí ngoài giá chứng từ sổ sách (phí bôi trơn) quá lớn... Chúng tôi rất mong Chính phủ Việt Nam tích cực xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ổn định chính sách vĩ mô và đặc biệt là có chính sách thuế minh bạch hơn để ổn định đầu tư.

Chiến lược đầu tư của DN Đài Loan tại Việt Nam có thay đổi gì so với trước đây?

- Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách tích cực nhằm hội nhập kinh tế toàn cầu. Hiện Việt Nam đang là thành viên của khối ASEAN, đồng thời ASEAN và một số đối tác châu Á thống nhất hình thành khối ASEAN + 1, ASEAN + 2, ASEAN + 3. Việt Nam cũng đã ký hiệp định thương mại tự do với một số nước và đang đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

DN Đài Loan thấy được những cơ hội từ TPP nên đã có chiến lược đầu tư mạnh vào Việt Nam để đón đầu cơ hội này. Ví dụ, tập đoàn thép của Đài Loan có dự án đầu tư sản xuất thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhắm tới cung ứng thép cho thị trường Việt Nam, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Các DN dệt may Đài Loan thì nhắm đến đầu tư thượng nguồn và trung nguồn. Tah Tong, một trong những DN dẫn đầu về dệt may của Đài Loan, đã thuê đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu mở nhà máy sản xuất tơ sợi; Công ty Viễn Đông đang sản xuất hàng may mặc hạ nguồn (thành phẩm) cũng đã lên kế hoạch xây dựng 1 nhà máy sản xuất thượng và trung nguồn...

Hiện đang có làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. DN Đài Loan có kế hoạch chuyển dịch đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam không ?

- Quả thật, DN Đài Loan hoạt động tại Việt Nam chủ yếu ở các ngành nghề công nghiệp truyền thống, thâm dụng nhiều lao động. DN Đài Loan tại Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư lĩnh vực công nghệ cao sang các nước Đông Nam Á nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng vào Việt Nam. Các DN công nghệ cao đang có mặt tại Việt Nam như Hồng Hải Foxconn, Wintek, Microtek cũng chưa có ý định tăng vốn. Tuy nhiên, một số dự án đầu tư công nghiệp truyền thống tại Việt Nam đang cân nhắc khả năng nhập thiết bị hiện đại để cải tiến sản xuất, giảm giá thành lao động.

Theo quan điểm cá nhân tôi, để thu hút DN công nghệ cao, Việt Nam phải có đội ngũ lao động trình độ cao thông qua hoạt động giáo dục - đào tạo và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện giữa Việt Nam và Đài Loan có sự giao lưu chặt chẽ, nhiều du học sinh Việt Nam đang theo học tại Đài Loan sau khi về nước có thể làm việc tại các công ty của Đài Loan.

Một lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện chưa có phân tích cụ thể về đầu tư Đài Loan ở Việt Nam nên chưa thể xác định được Đài Loan “rớt hạng” đầu tư vào Việt Nam là do DN nước này giảm đầu tư hay do các nước khác tăng tốc độ.

Nhập siêu từ Đài Loan

Theo số liệu của Phòng Kinh tế - Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Đài Loan năm 2012 là 11 tỉ USD, tăng 110 lần so với năm 1988. Hơn 20 năm giao thương, Việt Nam chủ yếu nhập siêu máy móc thiết bị, vật tư, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất sang Đài Loan một số mặt hàng thủy hải sản, nông sản như gạo, tôm, chè... Hiện có xu hướng các sản phẩm Đài Loan sản xuất tại Việt Nam xuất ngược trở lại Đài Loan tiêu thụ.

Ông Phạm Quang Tâm, Phó Chủ nhiệm Phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, cho biết kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan là 9 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 2 tỉ USD, nhập khẩu 7 tỉ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan chủ yếu là nông sản, thủy hải sản, rau quả, cà phê, gạo... Nhu cầu của Đài Loan về rau quả, thực phẩm rất lớn và chủ yếu nhập khẩu nhưng Việt Nam chưa đáp ứng được bởi vướng các rào cản kỹ thuật liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. DN Việt cần nghiên cứu kỹ về thị trường Đài Loan cũng như các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để khai thác tốt hơn thị trường này.

Theo Thanh Nhân (thực hiện)

thunm

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên