MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đại phẫu” VNPT - không còn là việc riêng của tập đoàn

Thị trường viễn thông đang “nín thở” chờ sự thay đổi bởi sự tái cơ cấu thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào đề án tái cơ cấu VNPT, đang được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) trình Chính phủ.

“Tái cơ cấu VNPT không còn là việc riêng của tập đoàn bởi đây là một DN lớn, thuộc loại trụ cột của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu trên tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ TTTT ngày 26.12.“Việc tái cơ cấu giúp bản thân VNPT có động lực để phát triển, hoạt động hiệu quả hơn và nhằm phục vụ lợi ích cả thị trường, giúp thị trường phát triển mạnh hơn nữa” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, tại các cuộc họp Chính phủ thường kỳ và họp chuyên đề, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần yêu cầu VNPT sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu tập đoàn. Trong đó, điểm nhấn là sở hữu đối với 2 mạng di động MobiFone và VinaPhone.

Báo cáo năm 2013 của Bộ TTTT cho thấy năm thứ 2 liên tiếp, “người anh cả” của ngành viễn thông Việt Nam - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - bị Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vượt qua cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Theo đó, tổng lợi nhuận toàn VNPT năm 2013 đạt 9.265 tỉ đồng, trong khi của Viettel là 35.086 tỉ đồng - gấp gần 4 lần. Tổng lợi nhuận của VNPT năm 2013 chỉ bằng khoảng 25% của Viettel.

Tổng doanh thu của VNPT năm 2013 ước đạt 119.000 tỉ đồng, nộp ngân sách đạt 7.894 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh thu của Viettel ước đạt 162.886 tỉ đồng, nộp ngân sách 17.500 tỉ đồng, thu nhập bình quân đạt 23,7 triệu đồng/người/tháng... Thực tế, doanh thu Viettel đã vượt qua VNPT từ năm 2012 khi DN này đạt 140.000 tỉ đồng, còn VNPT chỉ 130.500 tỉ đồng.

Có được kết quả không đến nỗi bết bát về lợi nhuận là nhờ VNPT đã kịp thời chấn chỉnh lại hoạt động. 5 tháng sau, doanh thu VNPT tăng 1%, lợi nhuận tăng 76% so với năm 2012. Sự bứt phá này, theo lý giải của TGĐ Trần Mạnh Hùng, là do VNPT đã tiết kiệm chi phí được 1.000 tỉ đồng.
Nguyên Tổng Giám đốc VNPT, Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực - nhận định: VNPT trong hơn 10 năm gần đây đã có rất nhiều trì trệ, yếu kém từ chiến lược kinh doanh cho tới quản trị doanh nghiệp.

Điều này đã làm cho thế mạnh của VNPT trước đó không còn là điểm mạnh nữa. Trong khi đó những điểm yếu lại không được khắc phục. ”Với những yếu kém như vậy, việc tái cấu trúc VNPT là việc cần phải làm khẩn trương vì tình trạng hiện nay của VNPT xuống đến mức khó khăn”, ông Trực nói.

“Tuy nhiên, việc tái cấu trúc của một DN trước hết phải do bản thân DN tự làm. Các DN phải tự xây dựng chiến lược thị trường, chiến lược sản phẩm, cơ chế lao động, bố trí nhân sự của mình. DN đã có đề án tái cơ cấu theo hướng dẫn của bộ và trình Chính phủ, tôi hy vọng Đề án sớm được thông qua”, ông Trực nói thêm.

Ông Mai Liêm Trực cũng cho rằng, việc tách Mobifone ra khỏi VNPT thì trong một vài năm trước mắt, VNPT sẽ có nhiều khó khăn về mặt tài chính hơn là tách Vinaphone. Tuy nhiên, về lâu dài thì nếu tổ chức tốt, những khó khăn này sẽ được giải quyết. Do vậy, VNPT không cần quá “hốt hoảng” khi tách Mobifone ra.

Những lợi thế của Mobifone so với Vinaphone khi tách ra thì đã rõ. Tuy nhiên, một khi tách ra mà tổ chức không tốt thì về lâu dài, Mobifone chưa chắc đã mạnh được như Vinaphone. Do vậy, vấn đề là không cần đặt quá nặng vào vấn đề tách DN nào. Vấn đề căn bản trong tái cấu trúc là vấn đề cơ chế quản trị DN.

“Tất cả những điều trên đã được đặt ra và xem xét cẩn trọng, thấu tình, đạt lý. Tôi cho rằng nội dung dự thảo lần cuối đề án tái cơ cấu tập đoàn VNPT đã đề xuất phương án tách Mobifone ra khỏi VNPT, thành lập Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đã tính đến điều này”, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông nhận định.

Theo Lý Hương

cucpth

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên