MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đàm phán TPP được xúc tiến để sớm đạt được thỏa thuận

Các quan chức từ 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu cuộc họp bất thường kéo dài 10 ngày tại Ottawa, Canada vào ngày 3/7, khi Mỹ muốn sớm đạt thỏa thuận

Cụ thể là trong thời gian Tổng thống Barack Obama có chuyến công du châu Á vào tháng 11 tới.

Các quan chức tham dự cuộc họp sẽ tập trung thảo luận các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, với lo ngại về bản quyền phim và bằng sáng chế các loại thuốc mới và việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng.

Từ ngày 5/7, trưởng các phái đoàn đàm phán của các nước sẽ ngồi vào bàn thương lượng và cũng sẽ có các cuộc họp song phương bên lề phiên họp toàn thể. Tuy nhiên, một cuộc họp giữa các bộ trưởng thương mại, thường diễn ra sau các cuộc đàm phán giữa các nhóm làm việc, chưa được lên kế hoạch, trong khi các quyết định cuối cùng cho việc ký kết thỏa thuận có thể được đưa ra tại cuộc họp này.

Ông Koji Tsuruoka, Trưởng phái đoàn đàm phán của Nhật Bản, cho rằng cuộc họp tại Ottawa là dịp rất quan trọng để đưa đàm phán TPP đến giai đoạn cuối cùng, bày tỏ hy vọng về những tiến triển để các quan chức các nước có thể ấn định thời điểm cho cuộc họp cấp bộ trưởng.

Nhật Bản và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất này là một trở ngại cho việc sớm đi đến ký kết sáng kiến trên.

Đàm phán về TPP bắt đầu từ năm 2005, ban đầu chỉ có sự tham dự của bốn nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Nay với sự góp mặt của 12 nước, một khi được ký kết, TPP sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

>>>Có thể có quy định cởi mở hơn về nguồn gốc nguyên phụ liệu khi tham gia TPP?

Theo Lê Minh

cucpth

Vietnam+

Trở lên trên