MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân kêu xăng dầu giảm chậm, Bộ lại thấy... hài lòng

Công tác điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã đạt được kết quả tích cực và nhận được sự đồng thuận của dư luận theo đánh giá của Bộ Công Thương. Thế nhưng, dư luận vẫn băn khoăn là trong khi xăng dầu thế giới giảm tới 40% nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ giảm ở mức thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh doanh xăng dầu cơ bản đã vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Cụ thể, năm 2015 đã có 23 đợt điều chỉnh, mặt hàng xăng có 12 lần giảm giá, 6 lần tăng giá; dầu diesel có 13 lần giảm giá, 4 lần tăng giá. Việc giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giám đã tác động làm chỉ số giá của một số nhóm hàng giảm theo đánh giá của Tổng cục Thống kê.

Bộ Công Thương: Xăng dầu đã theo thị trường

Ngoài ra, tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trong nước năm 2015 cũng đã được cải thiện. Cùng với việc giảm bớt 1, tăng thêm 5 thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, đã nâng lên con số 23; cùng với 69 thương nhân phân phối.

Ước tính xăng dầu tiêu thụ trong nước năm 2015 đạt khoảng 17-17,5 triệu m3/tấn các loại, tăng khoảng 12-15% so với năm 2014. Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước đã được bảo đảm đầy đủ, kịp thời, không xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu trong bất kỳ thời điểm nào.

Theo đánh giá của Thứ trưởng, qua hơn 1 năm đánh giá các quy định tại Nghị định 83 về điều hành kinh doanh xăng dầu là phù hợp và công tác điều hành kinh doanh xăng dầu đạt được nhiều bước tiến thể hiện qua việc quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu và từng loại hình thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Việc tính toán, điều hành giá xăng dầu trong nước của Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã bám sát và phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới, bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước.

Trong đó có tính đến việc hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, qua đó bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, kiểm soát được tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu tới nhóm hàng hóa, dịch vụ trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng CPI…

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 83 cần thêm thời gian để có thực tiễn đúc kết, chỉnh sửa cho phù hợp. Trong Quí I/2016, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tổ chức Hội nghị Tổng kết, lấy ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan liên quan, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam… Những kiến nghị sẽ gửi cơ quan chức năng để chỉnh sửa.

Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Thứ trưởng cho biết hiện nay Tập đoàn này đang chiếm khoảng 46 – 50% thị phần xăng dầu tiêu thụ nội địa. Trong những lần điều chỉnh xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đánh giá Tập đoàn này đã có những thông tin công bố, công khai, minh bạch trên trang thông tin của Tập đoàn ra công chúng.

Giảm vẫn chậm so với thế giới

Mặc dù công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua đã nhận được sự phản hồi tích cực của dư luận. Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn băn khoăn là tại sao giá xăng dầu thế giới giảm 40% nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ giảm ở mức thấp và giảm chậm. Cụ thể, giá xăng bán lẻ trong nước chỉ giảm khoảng 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%.

Ở Việt Nam, giá xăng hiện đang phải “cõng” tới 13 loại thuế và phí, trong đó ngoài thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT (tính trên đầu lít xăng), xăng dầu còn chịu thuế bảo vệ môi trường (tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít xăng), quỹ bình ổn giá, trích lợi nhuận định mức, chi phí định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cho dù chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp là khác nhau.

AN Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên