MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đập Xayaburi sẽ tổn hại các loài cá trên sông Mê Kông

Một trong những loài đang bị đe dọa ở khu vực sông Mê Kông là loài cá da trơn cỡ lớn chỉ sinh sản ở khu vực thượng nguồn nằm giữa huyện Chiang Rai (Thái Lan) và Bokeo (Lào).

Theo Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), nếu đập Xayaburi (Lào) được xây dựng trên sông Mê Kông thì sẽ làm gián đoạn đến đường di cư của nhiều loài cá cũng như gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người sinh sống tại hạ lưu sông.

Đây là nhận định được đưa ra trong thông cáo báo chí của WWF phát đi ngày 14-4 nhằm phản đối việc xây dựng đập Xayaburi dự kiến được các nước trong khu vực sẽ quyết định dự án này có được tiến hành hay không vào ngày 22 tháng 4 tới đây.

Theo WWF, ý kiến trên được đưa ra bởi cơ quan ủy nhiệm của WWF là Trung tâm thủy sản thế giới cùng sự tham gia của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) nhằm chỉ ra rằng bản đánh giá tác động môi trường (EIA) đối với đập Xayaburi là không phù hợp và không đạt tiêu chuẩn quốc tế.

WWF cho biết, một trong những loài đang bị đe dọa ở khu vực sông Mê Kông là loài cá da trơn cỡ lớn chỉ sinh sản ở khu vực thượng nguồn nằm giữa huyện Chiang Rai (Thái Lan) và Bokeo (Lào). Và đây là loài cá biểu tượng và có giá trị văn hóa tại nhiều quốc gia trên lưu vực sông Mê Kông.

Nhóm chuyên gia về thủy điện bền vững của WWF cho rằng, rất nhiều nghiên cứu cũng kết luận rằng giải pháp đường đi cho cá tại các đập xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mê Kông không hề khả thi đối với các loài di cư tại đây, và “không thể lấy sông Mê Kông làm trường hợp thử nghiệm” đối với các giải pháp đường di cư cho cá.

“Thang vượt (fish ladders) cho cá theo như bản thiết kế đập Xayaburi đề xuất đã thành công ở một số nước châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng tại những nước này, chỉ có một số rất ít các loài di cư và hầu hết thuộc họ cá hồi”, WWF đưa ra dẫn chứng.

WWF cũng đưa ra một dẫn chứng về thất bại của công trình đập sông Mun, Thái Lan vốn được xây dựng vào năm 1990 với kinh phí lên đến 233 triệu đô la Mỹ, gấp đôi lượng đầu tư dự tính ban đầu, làm giảm lượng thủy sản ở đây, làm cộng đồng phải di cư và thất bại trong việc mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư vì chỉ đạt 1/3 sản lượng điện dự tính trong mùa khô.

Về phía mình, WWF cho biết, họ ủng hộ việc hoãn xây dựng đập Xayaburi thêm 10 năm nhằm có một nghiên cứu toàn diện hơn về con đập này.

Theo Ngọc Hùng

TBKTSG

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên