MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đầu tư cho nông nghiệp của VN chưa song hành với đóng góp của nông nghiệp vào GDP"

Theo EuroCham, trong những năm gần đây, đầu tư cho nông nghiệp của Việt Nam chưa song hành với đóng góp của nông nghiệp vào GDP. Cụ thể, năm 2012, nông nghiệp chiếm 19,7% GDP nhưng chỉ nhận được 5% tổng vốn đầu tư của Chính phủ.

Chiều ngày 1/12, Phòng thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đã chính thức công bố Sách trắng 2015 –  Các vấn đề thương mại, đầu tư  và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu. Những kiến nghị này được các doanh nghiệp Châu Âu đưa ra với mong muốn Chính phủ Việt Nam cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh của mình. 

Trong chương 3 phân tích về các vấn đề của ngành nông nghiệp, EuroCham nhận định, Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt điều lớn nhất thế giới, đồng thời đứng thứ 5 trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, trà và cà phê. Bên cạnh đó, cá và các sản phẩm thủy sản cũng là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Ngành nông nghiệp sử dụng 80% diện tích đất tự nhiên, cung cấp lương thực, thực phẩm cho 67% người dân sống ở nông thôn và tạo việc làm cho 48,4% lực lượng lao động.

Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2013, đóng góp của nông nghiệp vào GDP ước đạt 19,3%. Trong 10 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhập khẩu nông sản, thực phẩm và nguyên liệu thô nhiều hơn xuất khẩu.

Trong khi đó, nông nghiệp là một ngành chịu nhiều rủi ro vì biến đổi khí hậu và tình hình kinh tế ảnh hưởng tới sản lượng. Theo nghiên cứu của Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và tổ chức Oxfam, tỷ lệ rủi ro của nông dân là 70-80%; trong khi tỷ lệ lợi nhuận chỉ có 20-30%.

Do bị lệ thuộc vào điều kiện thời tiết nên giá cả sản phẩm nông nghiệp thường bị biến động và việc gia tăng sản lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng cũng bị hạn chế. Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có khả năng cạnh tranh về giá cả nhưng lại khó cạnh tranh về chất lượng.

Trên cơ sở đó, EuroCham đưa ra một số kiến nghị phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam như sau.

Thứ nhất, thay vì tập trung vào sản xuất, Việt Nam nên tập trung vào nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng để mở ra nhiều cơ hội hơn cho ngành nông nghiệp.

Thứ hai, Việt Nam có thể chuyển từ xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chính và sản xuất sản phẩm phân khúc cấp thấp sang xuất khẩu các mặt hàng chất lượng cao. Điều này sẽ giúp Việt Nam thâm nhập các thị trường mới và thu được nhiều lợi ích.

Thứ ba, Việt Nam có thể thương mại hóa các sản phẩm phụ; đồng thời đa dạng hóa các mặt hàng rau, trái cây. Việt Nam cần chiến lược nâng cấp và hiện đại hóa chuỗi giá trị để tăng hiệu suất, tính cạnh tranh , độ bền vững và chất lượng sản phẩm, cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Theo đánh giá của EuroCham, trong những năm gần đây, đầu tư cho nông nghiệp của Việt Nam chưa song hành với đóng góp của nông nghiệp vào GDP. Cụ thể, năm 2012, nông nghiệp chiếm 19,7% GDP nhưng chỉ nhận được 5% tổng vốn đầu tư của Chính phủ. Trong khi đó, các báo cáo trước đã nêu, đầu tư cho nông nghiệp đóng góp vai trò quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Mặc dù đầu tư của Chính phủ còn hạn chế, song ngành nông nghiệp Việt Nam có thể thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, theo số liệu 9 tháng đầu năm 2014, ngành nông nghiệp chỉ nhận được 1,4% trong tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

EuroCham dự báo, để thu hút được FDI trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức như chính sách thương mại và thủ tục hành chính rõ ràng, minh bạch hơn; tạo cơ hội tiếp cận công bằng cho nông dân và các doanh nghiệp; tạo một hệ thống thuế cạnh tranh …

>>>Động lực nào để nông nghiệp tăng trưởng?

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên