MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư Thương mại Việt - Mỹ: Hấp dẫn công nghệ, xuất siêu hàng hoá

Việt Nam và Mỹ đã trải qua 16 năm bình thường hoá quan hệ và tròn mười năm ký kết hiệp định Thương mại song phương (BTA).

Điểm nhấn của quan hệ này là sự hiện diện đông đảo các công ty công nghệ Mỹ tại Việt Nam và thương mại hai chiều đã tăng từ 1,5 tỉ lên hơn 20 tỉ đôla sau mười năm.

Khi nhận giấy phép vào khu công nghệ cao TP.HCM tuần trước, ông Roland Lim Tiam Hee, giám đốc kinh doanh tại Việt Nam của Rockwell Automation – tập đoàn hàng đầu thế giới về tự động hoá và công nghệ thông tin của Mỹ – cho biết muốn đặt trung tâm tại Việt Nam để cung cấp các giải pháp và dịch vụ cho khách hàng cả ở Việt Nam, Singapore và Thái Lan.

Thực ra Rockwell đang có nhiều khách hàng trong các ngành công nghiệp nặng như điện, năng lượng, dầu khí, sản xuất…, sự có mặt chính thức này nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghệ dẫn đầu

Rockwell chỉ là một trong gần 600 doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam đến nay với tổng vốn đăng ký gần 12 tỉ đôla Mỹ. Vị trí nổi bật của các công ty Mỹ là đông đảo các công ty công nghệ với nhiều tên tuổi lớn đã có mặt như IBM, Intel, Cisco, Microsoft, CSC, Rockwell, Texas Instrument, Motorola, Unisys, Qualcomm, Sigma Designs, First Solar…

Tại buổi giao lưu thương mại doanh nghiệp hai nước gần đây, ông Christopher Twomey, chủ tịch phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), phân tích nếu tính từ khi Mỹ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam năm 1995 đến nay, quan hệ đầu tư thương mại hai nước trải qua ba giai đoạn: từ 1994 – 2001 là sự hiện diện của các công ty hàng tiêu dùng như Coca, Pepsi, P&G…

Làn sóng thứ hai 2001 – 2006 sau hiệp định BTA là doanh nghiệp Mỹ có xu hướng sử dụng mô hình lao động tại chỗ để cung cấp sản phẩm cho toàn cầu. Đông đảo các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng Mỹ về công nghệ, luật, bảo hiểm, tài chính… cũng vào Việt Nam trong giai đoạn này. Làn sóng thứ ba từ năm 2007, cùng với Intel thì các công ty lớn khác cũng đến Việt Nam và tăng cường việc hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bước đáng chú ý nữa trong xu hướng đầu tư của các công ty Mỹ hiện nay là chú trọng hơn vào chuỗi sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ xanh tại Việt Nam.

TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý đánh giá các cơ hội làm ăn với doanh nghiệp Mỹ trong quan hệ Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán. Đây là một trong những đàm phán mở cửa thương mại quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới.

Thương mại: mười năm tăng 13 lần

Tính từ khi hiệp định BTA có hiệu lực từ cuối năm 2001 thì thương mại với Mỹ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong tất cả các quốc gia làm ăn với Việt Nam, từ 1,5 tỉ đôla Mỹ năm 2001 đã vượt 20 tỉ hiện nay. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam với mức trung bình hàng tháng của năm nay hơn 1 tỉ đô la. Năm 2011 Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 29 trong danh sách 233 đối tác thương mại của Mỹ.

Tỷ trọng hàng hoá của Việt Nam vào Mỹ chiếm hơn 20% tổng xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến đạt 15 tỉ đôla Mỹ năm nay, với nhiều mặt hàng chủ lực như dệt may, đồ gỗ, giày dép... Trong 11 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường nhập hàng dệt may lớn nhất với gần 6,3 tỉ đôla, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất mặt hàng này.

Mỹ cũng là nhà nhập khẩu thứ hai các nhóm hàng thuỷ sản, càphê, giày dép... Đáng chú ý là trong cơ cấu hàng xuất khẩu sang Mỹ hiện nay có những nhóm hàng mới tăng trưởng mạnh, trong 11 tháng đầu năm nay, máy móc thiết bị đạt hơn 500 triệu đôla, tăng 86%; linh kiện vi tính cũng hơn 490 triệu, tăng 36%; sản phẩm từ sắt thép tăng đến 251%...

Các chuyên gia cho rằng đây vẫn là thị trường lớn và hấp dẫn với dự báo mức tăng trưởng bình quân 20%/năm trong vòng năm năm tới.

Theo Tuyết Ân

SGTT

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên