MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư từ Hàn Quốc: Kỳ vọng làn sóng mới

Sau khi Samsung công bố việc tăng vốn đầu tư lên 4,5 tỉ USD tại hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, mới đây một tập đoàn khác của Hàn Quốc,LG Electronics,tiếp tục công bố dự án 1,5 tỉ USD ở Hải Phòng.

Theo sau hai tên tuổi lớn này là những doanh nghiệp vệ tinh khác, tạo nên một làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc vào Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính lũy kế đến cuối tháng 8 năm nay Hàn Quốc có gần 3.400 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 25,73 tỉ USD, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Từ nhà máy đến tổ hợp

Với tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD, kế hoạch của LG Electronics (LGE) là sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng, điện tử công nghệ cao, linh kiện điện tử dùng cho ôtô và cả điện thoại di động thông minh tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Có thể nói LGE đang tạo một bước đột phá ở Việt Nam sau khi xây dựng một số nhà máy sản xuất với quy mô vừa phải ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng.

Thậm chí, không chỉ là kế hoạch cho một nhà máy đơn lẻ được xây dựng trên diện tích hơn 402.000m2, ông Kim Jong Sik, tổng giám đốc LG toàn cầu, khi nhận giấy chứng nhận đầu tư từ tay ông Dương Anh Điền, chủ tịch UBND TP Hải Phòng, đã hé lộ tham vọng đưa dự án trở thành một tổ hợp sản xuất điện tử. “Dự án sẽ giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động và kéo theo một loạt công ty vệ tinh của LGE vào đầu tư tại đây” - ông Kim Jong Sik khẳng định.

Trong khi đó, Samsung cũng tuyên bố muốn xây dựng cứ điểm sản xuất mới tại Việt Nam với hai dự án tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh (vốn đầu tư 2,5 tỉ USD) và Thái Nguyên (2 tỉ USD). Điều này được ông Shin Jong Kyun, chủ tịch kiêm tổng giám đốc ngành công nghệ thông tin và truyền thông di động Samsung Electronics, khẳng định khi tham dự lễ khởi công dự án Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên hồi cuối tháng 3.

Không chỉ dừng lại ở con số 2 tỉ USD, Samsung còn có kế hoạch tăng thêm vốn đầu tư để biến nơi này thành một tổ hợp sản xuất không dừng lại ở khâu lắp ráp, đóng gói, mà gồm cả sản xuất linh kiện, phụ kiện thiết yếu.

Cuối tháng 8 khi sang Việt Nam, ông Seung Mo Ryu, tổng giám đốc Công ty Samsung Electro - Mechanics, đã trình các cơ quan chức năng Việt Nam hồ sơ xin cấp chứng nhận đầu tư dự án sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại di động Samsung, vốn đầu tư 1,2 tỉ USD. Hiện tỉnh Thái Nguyên và Samsung đang đi đến những thỏa thuận cuối cùng để ký kết biên bản ghi nhớ cho việc thực hiện dự án này, cũng như đẩy nhanh tiến độ cấp chứng nhận đầu tư cho dự án.

Không chỉ Samsung và LG, nhiều công ty, tập đoàn lớn của Hàn Quốc tiếp tục lên kế hoạch tăng đầu tư tại Việt Nam. Ông Park Sam Koo, chủ tịch Kumho Asiana, mới đây công bố Kumho Asiana sắp tới sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD cho Nhà máy Kumho Tires (vốn đầu tư 200 triệu USD) tại Bình Dương. Trong khi đó, Lotte vừa cất nóc tòa nhà Lotte Center 400 triệu USD ở Hà Nội, đồng thời không ngừng mở rộng các trung tâm thương mại ở một số địa phương trong cả nước...

Ngày càng nhiều tập đoàn lớn của xứ sở kim chi có mặt tại Việt Nam với các khoản đầu tư “khủng”. Đầu tư cả 5-6 tỉ USD như Samsung là con số không nhỏ và điều này ông Đỗ Nhất Hoàng, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đã khẳng định sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. Nếu tính cả khoản vốn mà các tập đoàn, công ty Hàn Quốc đăng ký tại Singapore đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đã đầu tư hơn 30 tỉ USD, chỉ đứng sau Nhật Bản (trên 33 tỉ USD).

Và đầu tư vệ tinh

Chỉ các tập đoàn lớn sẽ không làm nên làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Thống kê cho thấy có hàng nghìn dự án nhỏ khác, trong số đó đáng chú ý là các nhà đầu tư vệ tinh đang “nối đuôi” các tập đoàn lớn như Samsung, LG vào Việt Nam.

Tuần trước, ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã cấp chứng nhận đầu tư cho dự án Young Sung Precision Vina, vốn đầu tư 400.000 USD. Một dự án rất nhỏ, chuyên sản xuất, gia công vỏ điện thoại di động, linh kiện, phụ kiện điện tử cao cấp, công suất 200 tấn/năm; in laser trên vỏ điện thoại di động, linh kiện, phụ kiện điện tử, công suất 50 tấn/năm. Cái đích mà nhà đầu tư này hướng tới là nhà cung ứng cho Samsung.

Cũng có thể là một sự tình cờ, nhưng chỉ ba ngày sau khi Hải Phòng cấp chứng nhận đầu tư cho LG thì Hanmiflexible Vina (Hàn Quốc) cũng đã nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để nâng vốn đầu tư từ 3 triệu USD lên 5 triệu USD. Dự án này cũng chuyên sản xuất linh phụ kiện điện tử cho sản phẩm điện tử gia dụng. Có thể bước nâng vốn đầu tư này của Hanmiflexible Vina là vì sức hấp dẫn của dự án LG.

Trước đó, Heasung Vina đã khánh thành nhà máy thứ hai chuyên sản xuất camera cho điện thoại thông minh của Samsung tại Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên). Với nhà máy mới này, công suất của Heasung Vina sẽ tăng từ 10 triệu sản phẩm/năm hiện nay lên 25 triệu sản phẩm/năm.

Young Sung Precision Vina, Heasung Vina hay Hanmiflexible Vina đều là những cái tên Hàn mới, tương tự Keosan Vina Electronics, Heasung Tech, Sung Gwang... - những doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc đã nối gót Samsung vào Việt Nam trước đó.

Không nổi tiếng, vốn đầu tư cũng không lớn, nhưng những dự án của các nhà đầu tư này lại vô cùng có ý nghĩa bởi sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm của Samsung hay LG, mà quan trọng hơn là tạo đà nâng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vốn ì ạch lâu nay.

Theo số liệu được Samsung Electronics Việt Nam công bố, tính đến tháng 3 năm nay đã có 55 nhà đầu tư vệ tinh Hàn Quốc theo chân Samsung vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỉ USD. Con số này chắc chắn đã lạc hậu bởi trong sáu tháng qua, không chỉ Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, mà giờ còn có thêm Thái Nguyên, Hải Phòng cũng đón tiếp và cấp chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư vệ tinh.

“Việt Nam đang có cơ hội tăng nhanh thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao” - ông Kim Jung In, chủ tịch Phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, khẳng định với TTCT. Không chỉ là con số thống kê, quan sát những gì đang diễn ra trong thực tế có thể nhận thấy xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam là khá tích cực.

Bởi không giống trước đây vốn chỉ vào bất động sản, tài chính hay các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày dép, nay các nhà đầu tư Hàn Quốc đang từng bước lấn sân sang các lĩnh vực giải trí và công nghệ, lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang “làm mưa làm gió” trên thị trường thế giới. Sự xuất hiện của Samsung, LG có thể coi là chất xúc tác để trong tương lai gần vốn đầu tư trong lĩnh vực này tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam, như ông Kim Jung In đã khẳng định.

Theo tính toán của Samsung, khi dự án ở Thái Nguyên của họ đi vào hoạt động sẽ có hàng tỉ USD vốn đầu tư trong lĩnh vực linh kiện, phụ kiện đồ điện tử đổ vào Việt Nam. Thêm LG, sức hút còn mạnh hơn nữa.

Các chuyên gia nhận định sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, với tuyên bố chung khẳng định tăng cường hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực chiến lược, có thể kỳ vọng sẽ có thêm lực đẩy để làn sóng đầu tư thứ ba từ Hàn Quốc sang Việt Nam đang trở thành thực tế.

Quan trọng là giá trị gia tăng

Cả Samsung và LG đều được hưởng ưu đãi thuộc loại đặc biệt khi xây dựng đại dự án ở VN. Samsung như một doanh nghiệp công nghệ cao, còn LG là dự án được thực hiện tại khu kinh tế. Theo GS-TS Nguyễn Mại - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, điều quan trọng là giá trị gia tăng từ những dự án được hưởng nhiều ưu đãi như Samsung hay LG.

Theo ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh, năm ngoái Samsung xuất khẩu 12,6 tỉ USD, nhưng giá trị gia tăng chỉ khoảng 1,1 tỉ USD. Sáu tháng đầu năm nay xuất khẩu 11 tỉ USD, giá trị gia tăng cũng chỉ đạt 1,7 tỉ USD.

“Xét về giá trị tuyệt đối, đây là con số khá cao mà khó có doanh nghiệp FDI nào có được. Nhưng xét về tỉ lệ, 10-15% vẫn là thấp. Vì thế, điều quan trọng là phải làm sao tăng tỉ lệ này. Chỉ cần có thêm 10% giá trị gia tăng, Việt Nam đã có thêm hàng tỉ USD” - ông Mại nói.

Muốn có giá trị gia tăng, điều quan trọng là phải có hệ thống các nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong nước nhằm nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Nhưng thực tế ngoài số lượng doanh nghiệp vệ tinh mà nhà đầu tư Hàn Quốc kéo vào thì doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được.

Theo ông Shim Won Hwan - tổng giám đốc khu tổ hợp công nghệ Samsung, hiện có năm nhà cung cấp nội địa cung cấp nguyên phụ liệu cho Samsung, nhưng những sản phẩm của họ chỉ là bao bì, hộp xốp... chưa phải linh kiện điện tử.

Bởi thế theo TS Nguyễn Mại, ngay khi thu hút được các dự án như của Samsung, LG, các địa phương phải lên kế hoạch phát triển hệ thống cung ứng linh kiện, phụ kiện cho các nhà sản xuất này. “Có như vậy nền kinh tế Việt Nam mới được hưởng lợi thật sự” - ông Mại nói.


Theo Nhật Hạ

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên