MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư vào Myanmar: “Trái ngọt” hay “quả đắng”?

Một đất nước với chỉ 4% người dân có điện thoại di động nhưng giá thuê văn phòng tại trung tâm kinh tế cao gấp 2 lần tại Bangkok và tiền lương lao động có trình độ cao ngang với Singapore.

Một năm sau khi tiến hành các chính sách cải tổ chính trị, thành phố bị lãng quên này đã có dấu hiệu tăng trưởng nhất định.

Hàng loạt doanh nhân nước ngoài trong bộ vét lịch sự lái xe dọc những con phố còn xóc đầy ổ gà, qua những tòa nhà với kiến trúc từ thời thuộc địa để gặp đối tác kinh doanh. Trước đây, trên phố chỉ toàn người đi du lịch mạo hiểm muốn đến xem một thành phố còn phát triển ở mức độ quá sơ khai.

Nhiều ông chủ khách sạn, sau thời kỳ dài công việc kinh doanh chịu tác động tiêu cực bởi chế độ quân sự và quản lý kinh tế yếu kém, đang nâng giá thuê phòng khách sạn. Giá nhà đất ở một số khu vực bên trong và xung quanh thủ đô đã tăng gấp 3 chỉ trong vòng 1 năm qua.

Ông Meral Karasulu, quan chức tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington, người vào tháng 1/2012 đại diện cho IMF làm quan sát viên tại Myanmar, nhận xét: “Myanmar có tiềm năng tăng trưởng tốt và sẽ có thể trở thành một nền kinh tế mạnh tại châu Á trong tương lai.”

Trên thực tế, đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như ngân hàng đầu tư đã không quan tâm đến Myanmar trong suốt nhiều thập kỷ qua, Myanmar vẫn như mảnh đất chưa được khai phá, thị trường nơi chỉ 4% dân số có điện thoại di động, tỷ lệ người sở hữu máy giặt hay điều hòa nhiệt độ còn thấp hơn, chứ chưa nói gì đến có ô tô tiêng.

Nhưng nay khi đất nước đã mở cửa, nhiều người làm việc tại Myanmar, kể cả công dân cũng như người nước ngoài, cho biết họ lo ngại có nhiều vấn đề có thể cản trở hoặc hạn chế tăng trưởng của kinh tế Myanmar. Danh sách vấn đề mà Myanmar đang gặp phải dài dằng dặc: thiếu lao động có kỹ năng, hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, tham nhũng, cơ sở hạ tầng chưa tốt và vấn đề mới đây nhất: giá cả tăng cao một cách bất ngờ.

Lương lao động có trình độ cao ngang với Singapore

Giới doanh nhân đánh giá vấn đề đáng ngại nhất nằm ở nguồn lực người lao động có kỹ năng, tay nghề tốt còn thiếu rất nhiều.

Ông U Ko Lin, giám đốc công ty tư vấn phát triển nghề nghiệp, công ty tuyển dụng hàng đầu ở Myanmar, chia sẻ: “Rất nhiều công ty yêu cầu chúng tôi tuyển dụng cho họ quản lý giỏi nhất trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị. Chúng tôi không thể đáp ứng được. Quá khó.”

Tháng 3/2012, ông nhận được yêu cầu tìm kiếm cơ hội kinh doanh của một nhóm doanh nhân Nhật thế nhưng nhà đầu tư đặc biệt lo lắng về vấn đề thiếu nhân sự có đủ kỹ năng cần thiết. Hệ thống trường học còn nhiều bất cập nên cũng không mấy ngạc nhiên khi chẳng thể tìm đủ nhân sự có chất lượng.”

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét hệ thống giáo dục của Myanmar hiện tụt hậu đến 50 năm. Các trường đại học hiện đang thiếu nguồn tài chính trầm trọng.

Nhà quản lý Hàn Quốc của một nhà máy giầy ở Yangon cho biết thậm chí việc tìm kiếm được nhân lực chưa có kỹ năng cũng rất khó khăn. Ông nói: “Chúng tôi đã rất khó khăn khi muốn tìm được nhân viên.”

Ông đã làm việc tại Myanmar được 3 năm, ông ước tính khoảng hơn một nửa số người lao động đang làm việc cho ông không có học vấn, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mà ông đã tính toán.

Tuy nhiên ông cho biết, hiện đang tồn tại một sự khác biệt rất lớn giữa người lao động tại Myanmar và người làm thuê mà ông biết tại nhiều nước khác như Việt Nam, Trung Quốc hay Indonexia. Người làm công tại Myanmar lịch sự và thân thiện hơn và không quá quan tâm đến tiền bạc.

Thời kỳ trước đây, lượng lớn tài năng của Myanmar đã rời đất nước để đến làm việc tại Malaysia, Singapore, Thái Lan và các nước vùng Vịnh. Chính phủ Myanmar đã hy vọng kéo được nhiều người Myanmar hiện đang còn sống ở nước ngoài về nước làm việc. Dù vậy khi họ đang có việc làm tốt ở nước ngoài, quyết định trở lại Myanmar không hề đơn giản.

Nhiều người lao động Myanmar đang làm việc trong ngành khai thác dầu và khí đốt ở Singapore nhiều khả năng sẽ đòi lương cao hơn so với khi họ làm việc ở Singapore.

Khi các công ty tại Myanmar phải trả lương cao hơn để hút nhân lực giỏi, lợi thế mà một nước còn đang ở trình độ phát triển kém lẽ ra phải có bị đánh mất.

Giá thuê văn phòng quá cao trong khi chất lượng hạ tầng kém

Ngoài ra, giá cả tại Myanmar đang tăng rất cao bởi đầu cơ lên mạnh. Xét trên một số phương diện, Myanmar còn đắt đỏ và kém hiệu quả hơn Thái Lan.

Giá thuê văn phòng trung bình tại Sakura Tower ở trung tâm kinh tế Yangon của Myanmar, hiện khoảng 4,65USD/foot. Mức này cao gấp đôi giá thuê văn phòng tại trung tâm thủ đô Bangkok. Thế nhưng không giống nhiều thành phố khác tại châu Á, nhiều công ty tại Yangon liên tục phải chịu cảnh mất điện, dịch vụ Internet kém và kết nối viễn thông với nhiều nước khác không hiệu quả.

Vấn đề đối với thị trường văn phòng cho thuê tại Yangon nằm ở sự khan hiếm nguồn cung. Công ty bất động sản Colliers ước tính toàn bộ trung tâm kinh tế Yangon của Myanmar có khoảng 667 nghìn feet vuông văn phòng cho thuê. Trong khi đó chỉ riêng tòa nhà Empire Tower ở Bangkok - Thái Lan đã có diện tích cho thuê gấp đôi như vậy.

Dù hiện tại Myanmar đang thực sự thiếu văn phòng cho thuê, hạ tầng còn yếu, chính thực trạng này có thể mang đến cơ hội dài hạn cho nhà đầu tư.

Kinh tế Myanmar dẫu sao vẫn còn nhiều điểm sáng. Số lượng người nước ngoài (doanh nhân và khách du lịch) đến Myanmar tăng 26% trong năm 2011, người làm việc trong ngành kinh doanh khách sạn không khỏi hài lòng. (Con số này sẽ còn tăng cao hơn nếu các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang áp dụng được giỡ bỏ). Tại một trong những khách sạn xịn nhất Yangon, giá thuê phòng rẻ nhất khoảng 430USD/đêm.

Xét trên nhiều phương diện, Myanmar vẫn là một đất nước đang chờ được đổi mới. 75% trong số 55 triệu dân không được dùng điện (theo tính toán của ADB).

Đình Hảo

ngocdiep

Nytimes, WSJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên