MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH bác tăng tuổi nghỉ hưu: Luật phải điều chỉnh!

Hiện nhiều ý kiến phản biện đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ còn phải tiếp tục điều chỉnh, lấy ý kiến đa chiều.

Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trả lời chúng tôi trước câu hỏi dự thảo Luật sẽ điều chỉnh như thế nào khi có nhiều đại biểu không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

"Dự thảo Luật mới đang xin ý kiến tức là Quốc hội chưa thông qua. Khi chưa thông qua tức là còn phải điều chỉnh đa chiều tổng hợp từ các chuyên gia, công chức viên chức, các thành phần… để làm sao luật đáp ứng được yêu cầu. Do đó sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện Luật", bà Khá cho biết.

Cũng vì còn nhiều ý kiến trái chiều nên dự thảo Luật bảo hiểm xã hội hiện (sửa đổi) chưa được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 này.

Theo dự thảo Luật bảo hiểm (sửa đổi) từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu nữ đối với cán bộ, công chức, viên chức (nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi); từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Dự báo đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu. Do vậy phải tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ.

Tuy nhiên, trong khi thảo luận về dự thảo luật, nhiều ĐBQH đã không đồng tình, cho rằng đây là bước đi chưa thích hợp.

 Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu thẳng thắn: “Việc vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là do nhiều nguyên nhân như tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, không thu được quỹ bảo hiểm xã hội do chủ sử dụng lao động nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng, năng suất lao động thấp, bộ máy cồng kềnh chứ không chỉ do tuổi lao động thấp. Nếu như tuổi nghỉ hưu tăng lên thì sẽ làm tăng thêm áp lực về việc làm và giảm cơ hội phát triển đối với lao động trẻ".

Trước đó, trả lời trên Đất Việt, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng: "hoàn toàn chưa có cơ sở thuyết phục để nói sau năm 2034 quỹ BHXH sẽ vỡ".

Ông Chính lý giải: Theo tính toán sơ bộ quá trình đóng BHXH của một công chức loại A1 từ năm 2014 với bậc lương khởi điểm là 2,34. Giả sử 3 năm tăng một bậc lương, mức lương cơ sở không tăng và lãi suất gửi ngân hàng là 6%/năm.

Kết quả cho thấy: Sau 30 năm đóng BHXH tiền lương bình quân cả quá trình đóng BHXH của công chức đó là 4,4 triệu đồng/tháng, nếu công chức đó là nam thì lương hưu được hưởng là 2,85 triệu đồng/tháng (mức hưởng 65% lương bình quân). Nếu là nữ thì lương hưu được hưởng là 3,3 triệu đồng/tháng (bằng 75% lương bình quân).

Nhưng nếu người đó dùng khoản tiền 22% của NSDLĐ và NLĐ hàng tháng không đóng vào quỹ BHXH mà gửi ngân hàng với mức lãi suất thấp nhất 6%/năm và không rút lãi trong vòng 30 năm thì tổng số tiền người đó được là 808.552.319 đồng. Với số tiền này thì tiền lãi hàng tháng được hưởng đã là 4,0 triệu đồng/tháng.

"Như vậy, tiền lãi của người lao động đóng BHXH sau 30 năm cao hơn cả tiền lương hưu tại sao lại nói là vỡ quỹ?", ông Chính nói.

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển cho rằng việc Bộ LĐTB&XH xin tăng tuổi nghỉ hưu có nghĩa là kéo dài thêm thời gian làm việc của người lao động và cũng là để chậm trả tiền bảo hiểm xã hội, giảm nguy cơ vỡ quỹ BHXH là không ổn.

TS Giao phân tích, sự bền vững của quỹ BHXH phụ thuộc nhiều vào việc quản lý Quỹ này như thế nào. Ở mức độ nhất định nào đó số người được hưởng lương hưu và chính sách hưu trí trong mối tương quan với những người đang làm việc thì đây là vấn đề hiệu quả lao động.

Nếu người đi làm rất nhiều mà hiệu quả thấp thì đương nhiên càng ngày gánh nặng của Quỹ bảo hiểm ngày càng lớn lên. Tức là nhiều người phải trả cho nhiều người. Vậy thì phải quản lý Quỹ này sao cho hiệu quả. Sử dụng như thế nào, trang trải cho những người được hưởng lương hưu ra sao, cho những đối tượng nào…? Thứ hai là nguồn thu của BHXH với số người làm ra của cải vật chất có tương xứng nhau không?

"Phần lớn lương hưu là dành cho những người làm trong bộ máy nhà nước, trong khi bộ máy lại rất cồng kềnh thì rõ ràng làm sao những người làm trong doanh nghiệp đóng BHXH đủ gánh số lượng người hưởng lương hưu trong bộ máy nhà nước được?", PGS Hoàng Ngọc Giao nói.

>>> Không đồng tình tăng thu bảo hiểm xã hội

Theo Bích Ngọc

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên