MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH Trần Du Lịch: Đại gia "mua" cảng biển, sân bay phải dùng tiền thật

“Việc khuyến khích DN mua sân bay, cảng biển là đúng nhưng tiền mua sân bay, cảng biển đó phải là tiền thật của DN, chứ không thể là tiền đi vay từ các ngân hàng”.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu TP.Hồ Chí Minh) thẳng thắn chia sẻ quan điểm trước câu chuyện nhượng quyền khai thác, xã hội hóa sân bay, cảng biển… tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội chiều 25/5.

Không thể dùng tiền vay đi mua sân bay, cảng biển

Cho rằng chủ trương xã hội hóa sân bay, cảng biển, đường xá… là một chủ trương đúng, nhưng ĐB Trần Du Lịch tỏ ra lo lắng, “tôi cảm nhận dường như 1 số DN trong nước muốn kiểm soát, quản lý các công trình đó không phải bằng nguồn lực thực, mà đi vay để mua lại”.

Ông Lịch thẳng thắn, việc khuyến khích DN mua sân bay, cảng biển là đúng nhưng tiền mua sân bay, cảng biển đó phải là tiền thật của DN, chứ không thể là tiền đi vay từ các ngân hàng thương mại. Bởi, theo phân tích của vị ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đồng thời cũng là chuyên gia kinh tế uy tín, thì tiền (tín dụng) của ngân hàng là để giúp phát triển nền kinh tế chứ không phải tiền đó dành cho 1-2 DN đi mua sân bay. Theo phân tích của ông, nếu gom tiền cho DN này thì không thể có vốn cho các DN sản xuất kinh doanh bình thường khác. Vốn tín dụng là hữu hạn, cho số DN này vay mua cảng biển, sân bay thì làm sao giảm lãi suất xuống được.

“Anh này ôm hết thì anh khác nhịn.  Tín dụng nhỏ lẻ tốt, nhưng tín dụng toàn bộ nền kinh tế lại đáng lo”- ĐB Trần Du Lịch trăn trở và kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát kỹ, dứt khoát không cho phép bơm tiền từ ngân hàng thương mại để DN mua lại sân bay, cảng biển.

Đồng tình với những chỉ số kinh tế tích cực đưa ra trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội 2014 và những tháng đầu năm 2015, nhưng ông Lịch cũng lo ngại trước thực trạng tái nhập siêu của nền kinh tế. Theo ông, đây là bệnh trầm kha từ cơ cấu kinh tế chứ không phải do chuyện điều hành. Cái gốc của vấn đề được vị ĐB này chỉ ra là do chậm tái cấu trúc nền kinh tế.

“Chúng ta đặt ra cả một chương trình tái cấu trúc nền kinh tế đã 3 năm nay nhưng tới giờ “bệnh” vẫn chưa thể trị từ “gốc”, cũng chưa đưa ra được bài thuốc nào chữa bệnh hiệu nghiệm. Nếu căn bệnh từ gốc không được chữa trị dứt điểm thì những hệ lụy này cứ quay đi quay lại hoài, không giải quyết được”- ông Lịch nói và quả quyết “nếu đầu tư tăng trở lại, kinh tế tăng trở lại thì chắc chắn nhập siêu sẽ nhanh, không thể thoát được”.

“Lên kế hoạch rồi tiêu vượt thì lên kế hoạch làm gì?”

Góp ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013, ông Lịch tỏ ra lo lắng khi Quốc hội duyệt chi thu ngân sách năm 2013 là 816.000 tỷ đồng; chi ngân sách là 978.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế, đề nghị quyết toán ngân sách Nhà nước 2013 do Chính phủ và Ủy ban Tài chính ngân sách trình lên thì thu 828.348 tỷ đồng, chi ngân sách 1.088.153 tỷ đồng... tương đương "vượt” 32% so với kế hoạch được duyệt.

“Thực thu, thực chi sau 1 năm tăng 32% so với kế hoạch thì lên kế hoạch làm gì, QH duyệt kế hoạch có ý nghĩa gì?”- ông đặt câu hỏi.

Ông Lịch lo lắng, tới đây khi sửa Luật Ngân sách Nhà nước có giải quyết được tình trạng này hay không? Còn nếu cứ như thế này thì rất khó kiểm soát về ngân sách.

ĐB Lịch đề nghị, cần đưa rõ cụ thể “địa chỉ” địa phương nào chưa nghiêm túc trong đầu tư khiến thu, chi ngân sách địa phương vượt ngoài dự toán. “Anh nào vi phạm phải có địa chỉ cụ thể chứ không thể nói chung chung. Dựa trên đó Quốc hội khi bố trí ngân sách mới sẽ kiên quyết cắt bỏ số anh này, chứ cứ phê bình, rồi biểu quyết thông qua là hết, là hòa cả làng” – ông Lịch nhấn mạnh.

Theo Trường Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên